Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Thời sự

Luật sư “lội ngược dòng” chê Đại Hiến chương Magna Carta

Published

on

Trâm Huyền – Lẫn giữa hàng trăm bài viết trên báo chí Anh những ngày qua đánh giá và bình phẩm về Magna Carta theo hướng tụng ca ý nghĩa lịch sử của tài liệu này, chúng ta bắt gặp một ý kiến gay gắt trái chiều của luật sư, nhà báo David Allen Green.

Lời người dịch: Vấn đề nóng nhất với dư luận Anh và giới luật sư Anh những tháng qua chính là một chính sách do đảng Bảo thủ Anh đưa ra khi tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử tại Anh tháng 5 vừa rồi: Bãi bỏ Đạo luật Nhân quyền 1998 (the Human Rights Act 1998).

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron đưa ra chính sách này hòng chiều lòng một bộ phận người dân vốn cho rằng Đạo luật Nhân quyền 1998 tạo điều kiện bảo vệ những người nước ngoài nhập cư trái phép và làm cho các tòa án Anh phải tuân phục các tòa án nhân quyền Châu Âu (những nhận định này không thật sự đúng đắn nhưng chúng khá phổ biến trong giới bình dân Anh).

Sự phản kháng dữ dội của giới luật học và luật sư Anh đã làm chính quyền đảng Bảo thủ phải chần chừ với dự án bác Đạo luật Nhân quyền 1998 của họ, nhưng kết quả của dự án này ra sao vẫn còn nằm trong tương lai.

Trong bài viết này trên blog của mình, tác giả David Allen Green thể hiện không che giấu sự hậm hực của ông trước thái độ có thể xem là “đạo đức giả” của Chính phủ Cameron: Họ mở lễ tung hô Magna Carta trong khi ngấm ngầm muốn loại bỏ một đạo luật có chức năng bảo vệ nhân quyền tại Anh.

* * *

Magna Carta chẳng là gì với quý vị cả sao, Tony Hancock từng hỏi những thành viên cùng đoàn bồi thẩm với ông trong một tiểu phẩm hài.

(Trong tiểu phẩm hài này, nhại lại bộ phim nổi tiếng “Mười hai người đàn ông nổi giận” mà bạn đọc từng được biết đến qua một bài viết trên Luật Khoa tạp chí, danh hài Tony Hancock đóng vai một thành viên bồi thẩm đoàn dốt nát nhầm Magna Carta là tên của một cô gái và nói: “Magna Carta chẳng là gì với quý vị cả sao? Cô ta chết vô ích sao?” – ND).

Tony Hancock không phải là người đầu tiên và cũng chẳng phải là người cuối cùng đặt vấn đề về ý nghĩa của Magna Carta – một văn bản mà chúng ta được biết là sẽ chào mừng kỷ niệm 800 năm ngày nó ra đời vào hôm nay (15/06/2015 – ND).

Vậy thì Magna Carta có ý nghĩa gì?

Một cách trả lời câu hỏi này là chia nó ra làm hai câu hỏi nhỏ. Đầu tiên Magna Carta là cái gì? Chúng ta đang nói về thứ gì? Và thứ hai, khi chúng ta đã xác định mình đang nói về cái gì, làm cách nào chúng ta đánh giá được tầm quan trọng của nó?

Nguồn ảnh: historyextra.com

Nguồn ảnh: historyextra.com

Magna Carta trong huyền thoại và trong hiện thực 

Một số nhân vật hay sự kiện lịch sử có hai phương diện tồn tại song song; điều này không phải hiếm gặp.

Ví dụ như nhân vật “Vua Arthur”. Nhiều nhà sử học không tin ông ta thật sự tồn tại, mặc dù Vua Arthur vốn là một hình tượng sống động trong văn hóa và văn chương của các thế hệ sau. Nhưng dù sao, việc họ chỉ ra sự thiếu cơ sở thực tế cho một hình tượng đã đi sâu vào trí tưởng tượng của quần chúng là một sự “lạc đề”: Arthur chỉ mang tính biểu tượng.

Cũng giống như với nhân vật Arthur, và nhiều khía cạnh đã quen thuộc khác của những hình dung về khung cảnh “Anh quốc vui vầy” thời Trung Cổ, có một sự phân biệt giữa phương diện tồn tại lịch sử và tồn tại huyền thoại.

Magna Carta thật là một nỗi thất vọng về tư duy hiến pháp nếu so sánh nó với những tài liệu sau. Ví dụ, văn bản đó vốn dĩ không hề được gọi là Magna Carta (tiếng Latin nghĩa là Đại Hiến Chương – ND) vào thời của nó, và nó bị tuyên bố vô hiệu rất nhanh chóng sau khi được ký kết. Thứ mà chúng ta giờ gọi là Magna Carta không hề ra đời từ năm 1215 mà là từ năm 1297. Nội dung thực tế của nó cũng bao hàm nhiều điều, phần lớn trần tục tầm thường: quy định địa giới của các khu rừng và đòi dỡ bỏ mấy con đập trên sông, hay đại loại thế. Vài phần – ví dụ phần về vay mượn tiền – trông không mấy gọn gàng đẹp đẽ trong con mắt người hiện đại.

Vậy sao nó nổi tiếng vậy? Những người cùng thời với nó nghĩ rất ít về nó.

Cậy gậy cricket của Thượng nghị sỹ Sumption 

Trong hai buổi thuyết trình gần đây, vị quan tòa gạo cội đồng thời là nhà sử học chuyên về lịch sử trung cổ Jonathan Sumption đã cầm gậy cricket của ông mà tương vào cái khung nạm ngọc của Magna Carta.

Cả hai bài thuyết trình đều nhiều thông tin và đáng đọc – thậm chí đọc khá là vui: có thể thấy chúng ở đây và ở đây. Những bài thuyết trình này chắc là đã làm ngạc nhiên một số người nghe – những người vốn mong đợi nhìn thấy một sự mộ đạo đẫm nước mắt dành cho tầm quan trọng của Đại Hiến chương, vốn được xem là truyền thống của tự do hay cái gi gỉ gì gi đấy nữa.

Sumption đã chính xác khi bài bác – thậm chí hoàn toàn phủ nhận – một cách nhìn lịch sử như thế. “Một trò lố vô nghĩa” (“High-minded tosh”) là một trong những cụm từ mà ông dùng để chỉ cách nhìn lịch sử đó. Ông chỉ ra rằng thứ mà chúng ta xem là Magna Carta không phải là sản phẩm của năm 1215 mà là của các học giả và các nhà tuyên truyền triều đại Stuart của Anh quốc –đặc biệt là của Ngài Edward Coke, một luật sư và là cây viết thiên tài.

Giống như cách nhà viết kịch Shakespeare “hun đúc lại” danh tiếng cho nhiều vị vua trung cổ, như cách nhà văn Malory làm cho danh tiếng của Arthur thêm phần bóng bẩy, Coke tái sáng tạo một hiến chương trung cổ ít ai biết thời đó – Magna Carta – thành chiếc chìa khóa vinh quang của cánh cửa đến các quyền tự do của nước Anh. Và Coke đã thành công tới mức Magna Carta được in sâu vào tiềm thức chính trị và pháp lý của chúng ta luôn từ thời đó.

Magna Carta đã nói gì? 

Khi nghĩ về Magna Carta, người ta thường không nghĩ đến đập sông và rừng rậm hay vay mượn tiền. Người ta thậm chí còn chẳng nghĩ đến những phần của Magna Carta mà đến bây giờ vẫn chưa hề được bãi bỏ trên luật (vai trò của nhà thờ và của đô thành London). Cách này cách khác, người ta nghĩ đến đoạn văn khí thế sau đây:

“Không người tự do nào có thể bị bắt, bị cầm tù hoặc bị tước đoạt tài sản hay các quyền tự do hay các truyền thống tự do, hoặc bị cấm đoán, bị lưu đày, hay bị hủy diệt bằng bất kỳ cách nào khác; chúng ta cũng sẽ không trấn áp người nào, hay buộc tội người nào, trừ phi thông qua phán xét dựa trên luật của những người đồng đẳng với người đó, hay dựa trên pháp luật của đất nước. Chúng ta sẽ không bán buôn Công Lý và Lẽ Phải, và cũng sẽ không chối từ hay trì hoãn Công Lý và Lẽ Phải cho bất kỳ ai”.

Toàn những thứ cao siêu phải được đọc thật to, có lẽ trên nền nhạc Purcell hay Elgar (hai nhà soạn nhạc cổ điển người Anh nổi tiếng vì các nhạc phẩm hoành tráng – ND).

Nhưng đọc lại một cách cẩn thận và bạn sẽ thấy Magna Carta rất ít bàn về những thứ căn cơ chắc chắn. Như Sumption và nhiều người khác đã chỉ ra, nó về cơ bản là một lập luận lòng vòng: Bạn phải được đối xử bởi luật pháp theo “pháp luật của đất nước”. Nó không nói cho bạn biết pháp luật phải là gì. Và nếu như “pháp luật của đất nước” bao gồm, ví dụ, đặc quyền không bị kiểm soát của hoàng gia hay các quyền hành pháp không giới hạn, thì Magna Carta không thể bảo vệ cái gì cả; và thật sự nó đã chẳng hề bảo vệ cái gì. Nó đã là, và vẫn là, một tràng khẩu hiệu sáo rỗng.

Và trong thực tế, sự phát triển các hình thức “tự do chủ nghĩa” bảo vệ cá nhân trong lịch sử luật pháp Anh – các huấn lệnh Habeas Corpus hay các án lệ chống lại các trát lệnh tự tiện – đã diễn ra bằng những tiến triển pháp lý không hề phụ thuộc vào Magna Carta.

Thực tế là, đối với tài liệu được cho là nền tảng này, người ta lại khó mà thấy được ảnh hưởng “nền tảng” của nó: Rất ít các vụ án đã được xử dựa vào nó. Mặc dù nó thường được nhắc đến qua loa, nhưng nó thiếu ảnh hưởng sống động và thực tế của một công cụ hiến pháp thực thụ. Có thể thấy điều đó qua việc so sánh sự thua kém này với những ban phát quyền trong Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ (US Bill of Rights) vốn thực sự tạo ra khác biệt trong cuộc sống hàng ngày cho người dân Mỹ.

Nhưng, nhưng…

Một trong các logo kỷ niệm 800 năm Magna Carta ra đời.

Nhưng thế thì đã sao? Magna Carta chẳng phải là mang tính biểu tượng sao? Chẳng phải là tính biểu tượng đó mới là quan trọng?

Người ta đã quá quen nghĩ về Magna Carta như là Một Điều Tốt nên dễ mà cảm thấy phiền khi họ nghe phải một ý kiến nào không ngợi khen nó. Các người không hiểu sao, họ sẽ hỏi, rằng Magna Carta mang tính biểu tượng?

Tính biểu tượng đó quan trọng. Và Magna Carta là biểu tượng không phải của một nguyên tắc hiến pháp vĩ đại của nước Anh, mà là biểu tượng của sự thiếu vắng một nguyên tắc như thế. Nó tượng trưng cho khả năng con người gật gù khi họ được bảo rằng họ có những quyền hư cấu, không tồn tại, thay vì những quyền có hiệu lực thật sự. Nó tượng trưng cho việc con người hài lòng với niềm tin vào chuyện cổ tích.

Những ai đang nắm quyền chính trị và pháp luật biết điều này. Thế nên thật là an toàn cho chính quyền khi họ muốn bạn ăn mừng Magna Carta, thứ bạn không thể dựa vào khi ra tòa, trong khi bản thân chính quyền – đây là một ví dụ – đang tìm cách bãi bỏ đạo luật Nhân Quyền, thứ bạn có thể nhờ cậy khi ra tòa.

Tony Hancock hỏi: Magna Carta không có nghĩa lý gì với quý vị sao?. Buồn thay, Magna Carta không thật sự có ý nghĩa là bao.

Trâm Huyền dịch từ “The Meaning of Magna Carta” (bài trên blog của tác giả)