Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Vấn đề Pháp lý

Vì tính mạng người dân, chính quyền có nên cấm leo núi?

Published

on

Bạch Huỳnh Duy Linh

Aiden Shaw Webb (sinh năm 1993, Norwich, Anh), vận động viên leo núi, tốt nghiệp ngành Sân khấu ở Đại học Anglie Ruskin, thiệt mạng sau khi thực hiện chuyến leo núi một mình từ hướng thôn Sín Chải, dọc theo tuyến cáp treo đến đỉnh Fansipan. Điều này làm nảy sinh câu hỏi về việc chính quyền có nên cấm đoán hay nhẹ nhàng hơn là hạn chế việc chinh phục những ngọn núi hiểm trở với lý do bảo vệ tính mạng cho người dân hay không?

Tuy mới 23 tuổi, Aiden Shaw Webb là người có nhiều kinh nghiệm leo lúi. Ảnh: Facebook của nhân vật.

Leo núi là một hoạt động thể thao mang tính mạo hiểm. Hàng năm luôn có nhiều người chết vì hoạt động leo núi, đặc biệt là các đỉnh núi cao và nguy hiểm như Everest, đỉnh núi cao nhất trên mặt đất tính đến thời điểm hiện tại, độ cao so với mực nước biển là 8.850m theo số liệu đo được năm 1999. Theo bản báo cáo của tạp chí Y Khoa Anh Quốc thì trong nhiều năm nay, cứ 10 cuộc chinh phục đỉnh Everest thành công thì lại có một người chết. Một số lượng lớn người leo núi chết là do các bệnh có liên quan đến độ cao so với mặt biển.

Tháng 9/2015, Nepal cho hay sẽ áp dụng các luật lệ mới nhằm cấm những người mới biết leo núi, người già lẫn trẻ con và người tàn tật không được phép chinh phục đỉnh Everest.

Theo luật mới, để chinh phục đỉnh Everest cao 8.848 m, người leo núi phải chứng minh được rằng họ đã leo được các đỉnh cao hơn 6.500 m.

Người tàn tật, người già trên 75 tuổi hoặc trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi đều nằm trong danh sách cấm.

Bộ trưởng  Du lịch Nepal, Kripasur Sherpa lập luận: “Chúng tôi không thể cho phép tình trạng ai cũng có thể leo lên Everest và tử vong. Nếu thể chất và tinh thần không phù hợp, tham vọng chinh phục Everest chẳng khác nào hành vi đi tự sát”.

Lập luận của bộ trưởng Du lịch Nepal dựa trên nguyên lý “hạnh phúc tối đa” của chủ nghĩa công lợi do nhà những nhà triết học người Anh, như Jeremy Bentham (1748 – 1832), và John Stuart Mill (1806 – 1873) đề xướng: hạn chế người không đủ khả năng leo núi sẽ hạn chế được số lượng người chết vì leo núi. Số người chết ít hơn sẽ làm cho xã hội hạnh phúc hơn.

Lập luận của chủ nghĩa công lợi, lấy xã hội làm thước đo cho mọi hành vi gặp phải sự thách thức của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân.

Trong tác phẩm Vô chính phủ, nhà nước và điều không tưởng (Anarchy, State and Utopia, 1974), nhà triết học người Mỹ Robert Nozick đưa ra luận điểm triết học bảo vệ nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cá nhân. Ông bắt đầu bằng tuyên bố các cá nhân có quyền “quá mạnh mẽ và sâu rộng” đến nỗi “họ đặt câu hỏi về vai trò của chính quyền nếu có”. Ông kết luận “chỉ nhà nước tối thiểu – giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện các giao kèo và bảo vệ người dân chống lại vũ lực, trộm cắp và gian lận – là hợp lý. Bất kỳ nhà nước nào lớn hơn, vi phạm quyền con người – bắt người dân không được làm việc nọ việc kia – là bất công”.

Robert Nozick (1938 – 2002) từng là giáo sư triết học của ĐH Harvard và Chủ tịch Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ. Ảnh: Wikispace

Nozick tin rằng tự do của con người là cao nhất, mỗi cá nhân sở hữu chính bản thân mình, thật vô lý khi nghĩ rằng có ai đó khác sở hữu bản thân tôi, có ai đó khác đang điều khiển các hành động của tôi. Do đó, tôi có quyền làm những việc mình thích miễn sao không xâm phạm đến quyền được làm điều mình thích của người khác.

Theo dòng lập luận trên của Nozick thì những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân sẽ phản đối việc chính quyền cấm người dân leo núi, dù cho đó là ngọn núi nguy hiểm như Everest, vì làm như thế là chính quyền đã chiếm đoạt quyền sở hữu bản thân mình của mỗi cá nhân, biến họ thành những nô lệ làm điều chính quyền muốn.

Câu hỏi đối với những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân đó là trẻ em dưới 18 tuổi có được xem là có đầy đủ lý trí để tự do thực hiện những điều mình thích hay không hay cần phải hạn chế sự tự do đó?

Với người già trên 75 tuổi, người tàn tật thì chủ nghĩa tự do cá nhân quan điểm rằng không có lý do gì để hạn chế sở thích chinh phục Everest của họ, họ sở hữu thân thể mình, do đó được làm những việc theo sở thích của mình.

Tiến sĩ Charles Clarke, nhà thần kinh học và trưởng ban leo núi nước Anh (BMC) cho biết leo núi có những nguy hiểm vốn có của nó mà những người leo cần phải đề phòng.”

“Bất kỳ ai nếu muốn cũng đều có thể leo núi Everest. Chúng tôi tôn trọng quyền đó của mọi người.”

“Nhưng không ai có thể nói rằng ‘tôi đã không được cảnh báo về những hiểm học y khoa’ mà ngược lại họ cần phải ý thức đầy đủ về điều đó”.

Lập luận quyền được leo núi của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể gặp phải sự phản đối của những người theo chủ nghĩa công lợi. Đồng ý là mỗi cá nhân có quyền được leo núi, nhưng khi xảy ra sự cố gây nguy hiểm đến tính mạng như trường hợp của Aiden Shaw Webb thì xã hội phải huy động lực lượng cứu hộ để tìm kiếm người leo núi bị mất tích. Do đó, không thể nói rằng sở thích nguy hiểm của người leo núi không ảnh hưởng gì đến lợi ích chung của xã hội.

Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể đồng ý với giải pháp buộc những người leo núi phải đóng bảo hiểm cứu hộ trước khi leo núi để nhận được dịch vụ cứu trợ khi xảy ra rủi ro. Với việc đóng bảo hiểm đó, lợi ích chung của xã hội không bị ảnh hưởng và do đó xã hội không thể ngăn cấm quyền được leo núi của những người muốn chinh phục thử thách.

Chính quyền có thể đưa ra những cảnh báo cần thiết để thông tin đến những người có ý định thực hiện các hành vi mang tính mạo hiểm nhưng lại không thể sử dụng các biện pháp hành chính mang tính bắt buộc để hạn chế quyền được leo núi của cá nhân.