Vai trò của Truyền thông nhà nước – Kỳ 1: Công cụ “giữ xuồng” của chính quyền

Vai trò của Truyền thông nhà nước – Kỳ 1:  Công cụ “giữ xuồng” của chính quyền

Mặc dù đang trong thời đại bùng nổ Internet, truyền thông nhà nước mà đặc biệt là truyền hình vẫn là công cụ chủ chốt để chế độ kiểm soát thông tin trong xã hội độc tài. Chính quyền ở Trung Quốc và Nga đều đi đầu trong mô hình truyền thông nhà nước, nhưng hệ thống này cũng tồn tại và ngự trị ở nhiều quốc gia khác như Azerbaijan, Iran, Rwanda, Việt Nam và Zimbabwe. Để đạt được sự thống trị, truyền thông nhà nước tìm cách gây ảnh hưởng đến bốn đối tượng khán giả: giới tinh hoa của chế độ, đông đảo quần chúng, người dùng Internet, phe đối lập và xã hội dân sự. Chiến lược của truyền thông nhà nước không được vẽ ra để ngăn chặn mọi thứ, mà thay vào đó là để ngăn cản những tin tức về chính trị hoặc những vấn đề nhạy cảm thường được dư luận quan tâm. Mạng Internet có thể là lựa chọn tự do hơn thay thế truyền thông nhà nước vốn đang thống trị, nhưng đặc tính phân mảnh của Internet đã làm cho nó trở nên thua kém những thông điệp bài bản chỉ chuyên để bảo toàn lợi ích của thể chế chính trị

Hiệu quả đến đáng lo ngại

Dù thế hệ phương tiện truyền thông mới (new media – loại hình truyền thông công nghệ cao như TV kĩ thuật số, truyền hình di động, và quan trọng nhất là internet – ND) đang ngày một phát triển mạnh, và môi trường truyền thông cũng trở nên đa dạng và có tính cạnh tranh hơn xưa rất nhiều, các chế độ độc tài vẫn đang tìm kiếm những phương cách đáng ngạc nhiên (và hiệu quả đến mức đáng báo động) để duy trì uy lực truyền thông nhằm giúp họ giữ vững vị thế thống trị. Các cơ quan truyền thông bị nhà nước thao túng chính thức hoặc không chính thức đã trở nên cần thiết cho sự bền vững của chính quyền phi dân chủ trên toàn thế giới. Thông điệp mà những cơ quan này phát ra, cùng với việc cổ xúy cho sự thờ ơ của công chúng, giúp giới chóp bu của chế độ phát hiện và ngăn chặn nguy cơ tranh chấp quyền lực có thể bùng phát trong lòng xã hội.

asfas

Một số đài phát thanh truyền hình do nhà nước sở hữu. Bạn có nhận ra tất cả các quốc gia trên đây?

Các cơ quan truyền thông được đề cập có thể được sở hữu, vận hành bởi nhà nước hoặc cả tư nhân nhưng trên thực tế vẫn chịu sự kiểm soát của chính quyền. Hầu hết các chế độ độc tài, trong đó nổi bật là Trung Quốc và Nga, đã sử dụng cả truyền thông tư nhân lẫn truyền thông nhà nước để thực thi các mệnh lệnh của họ.

Việc đề cập đến Bắc Kinh và Moscow có thể tạo ấn tượng rằng truyền thông nhà nước là một hiện tượng cộng sản hay hậu cộng sản, nhưng điều này chỉ đúng một phần. Truyền thông nhà nước thống trị ở Azerbaijan, Belarus, Campuchia và Việt Nam,  nhưng điều tương tự cũng xảy ra Ethiopia, Iran, Mozambique, Rwanda, và Zimbabwe (Venezuela cũng đã nhập cuộc cách đây không lâu). Ở các quốc gia này, cộng sản, hậu cộng sản, cũng như phi cộng sản, hệ thống giới hạn tin tức và thông tin đã được thiết lập cho khán giả đại chúng và hình thành nên nền chính trị chi phối thông tin. Hơn thế, một số chính phủ được hình thành thông qua bầu cử dân chủ nhưng cũng tồn tại khuynh hướng độc tài, chẳng hạn như ở Ecuador, Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ukraina.

Không chỉ là bạo lực

Để thực thi nguyện vọng của mình, những nhà độc tài cổ điển đã dựa trên cơ sở cưỡng chế mạnh tay, kiểm soát tập trung, và truyền bá tư tưởng của tổ chức đảng cầm quyền. Nga và Trung Quốc đều giữ lại hệ thống an ninh quốc gia đồ sộ, nhưng không nước nào còn “đảng” nguyên bản. Đảng cộng sản của Liên minh Xô-viết (CPSU) đã không còn tồn tại, trong khi Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP) vẫn đang nắm quyền nhưng với hệ tư tưởng đã biến chất, trở nên cởi mở hơn để “phù hợp với những quyết sách dựa trên cơ sở phi ý thức hệ”. Sự cưỡng chế đóng vai trò quan trọng trong cả hai trường hợp trên, nhưng không nơi nào quyền lực độc tài có thể được duy trì nếu chỉ nhờ vào bạo lực – và những kẻ cai trị biết điều đó.

Và đó là lý do truyền thông nhà nước xuất hiện. Không có tư tưởng chỉ đạo như chủ nghĩa cộng sản để dựa vào, chế độ sử dụng truyền thông để lấp đầy khoảng trống, thông qua việc cung cấp một sự kết hợp của chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bài Mỹ, và những dòng ý kiến nhằm giữ cho chế độ “không bị chìm xuồng” – nói cách khác, là giữ được sự ủng hộ của đa số người dân.

Truyền thông nhà nước không chỉ để ca ngợi thứ quyền lực đang tồn tại. Một chức năng quan trọng song hành là bêu xấu và làm mất uy tín những lựa chọn thay thế hiện trạng chuyên quyền trước khi chúng thu hút được người dân trên diện rộng. Với cách này, truyền thông nhà nước là công cụ để cách ly bất kỳ yếu tố đối lập chính trị hoặc các phong trào dân sự nào có tiềm năng. Khi không thể thực sự tiếp cận công chúng (thông qua sóng truyền thông), các nhóm đối lập sẽ thấy khó khăn để có được những người ủng hộ tiềm năng hoặc trở thành tiếng nói quan trọng trong các cuộc thảo luận công khai.

media-power

Nguồn ảnh: philosophersforchange.org

Dù những nhà độc tài hiện nay vẫn xem khả năng đàn áp bất đồng chính kiến bằng bạo lực của họ là quan trọng và không có kế hoạch từ bỏ nó, Trung Quốc, Nga và những nước khác đang có khuynh hướng sử dụng những phương thức tiếp cận chọn lọc hơn để áp đặt vai trò chỉ huy. Lý do của họ rất thực tế: Nguyện vọng về hiện đại hóa nền kinh tế và sự phồn thịnh không thể tồn tại cùng bạo tàn, đàn áp bán buôn và việc hạn chế luồng thông tin cần thiết.

Ở những nơi “ngoài vùng phủ sóng” như Cuba, CHDCND Triều Tiên và Turkmenistan, chế độ độc tài hiện nay không còn tìm cách thống trị toàn bộ các phương tiện truyền thông đại chúng. Thay vào đó, họ muốn cái gọi là “kiểm soát hiệu quả truyền thông” – đủ để truyền tải sức mạnh của họ và thổi phồng những yêu cầu về tính chính đáng trong khi làm hao mòn dần những đối thủ tiềm năng. Với thứ quyền lực nhà nước này, dù được sử dụng thông qua truyền thông nhà nước hay truyền thông “nghe lời” nhà nước, đều cho phép chế độ đưa vào những câu chuyện thiên chính phủ trong khi sử dụng quyền lực biên tập để hạn chế những chỉ trích có tính hệ thống vào chính sách và hành động chính thức của họ.

Khi nói đến việc này, phải kể đến người anh cả Trung Quốc. Những nhà tuyên giáo của Bắc Kinh là những kẻ khá mát tay, họ đã học tập những phương pháp quan hệ công chúng phổ biến ở chính trường phương Tây và sau đó áp dụng chúng phù hợp với điều kiện Trung Quốc. Truyền hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV) thu hút một lượng lớn khán giả, với con số lên tới hàng trăm triệu người, nó đóng vai trò như là một công cụ kiểm soát của nhà nước, lèo lái ý thức quần chúng đối với tin tức và sự kiện và quản lý thông điệp trên những kênh giải trí phổ biến. CCTV đại diện cho một thực thể truyền thông độc tài đã đạt được thành công thương mại kết hợp với tính hệ thống, dù đã được chỉnh sửa, đàn áp thông tin. Đó là một tập đoàn truyền thông (với cánh tay nối dài không chỉ khắp Trung Quốc mà còn ở hải ngoại) mang lại lợi nhuận tài chính, hoạt động tự chủ và có ý thức hệ vững chắc. Sự nổi bật của nó đã giúp các nhà quản lý rất nhiều trong việc loại bỏ các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Những quảng cáo của CCTV đều thuộc về các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân có tham vọng kết giao với các quan chức chính quyền. Kết quả cuối cùng là một môi trường truyền thông bán thương mại nơi có bàn tay chi phối biên tập của đảng và nhà nước.

cctv
Logo của Đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc Nguồn: CCTV

Sự nổi lên của CCTV mà chúng ta đều tán đồng không hề ngẫu nhiên: truyền thông do nhà nước kiểm soát có thể và đã xuất hiện dưới nhiều hình thức, nhưng truyền hình là lựa chọn số một. Giống như tên cướp ngân hàng huyền thoại Willie Sutton, kẻ đã nổi tiếng khi nói rằng hắn cướp nhà băng bởi vì đó là “nơi có tiền”, chế độ độc tài tập trung vào truyền hình vì đó là nơi thu hút ánh mắt của tất cả mọi người. Trong hầu hết các xã hội, đó là nguồn cung cấp thông tin chính cho người dân. Độ phủ sóng của truyền hình – cả những gì được phát và phát như thế nào – xác định và hình thành nội dung các cuộc đàm luận chính trị chính thống. Hơn thế nữa, những gì trên TV còn định hình được nhận thức phổ biến về quyền lực mà chế độ đang sở hữu.

Truyền hình vẫn không có đối thủ cạnh tranh thực sự. Tuy nhiên, việc tiếp cận và sử dụng Internet đang phát triển, trong một số trường hợp đang diễn ra nhanh chóng, và các công nghệ mới đang giúp cho dân thường tiếp cận thông tin đa dạng hơn cũng như giao tiếp với nhau một cách nhanh chóng và không tốn kém. Phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể giúp hình thành những bài tường thuật, đặc biệt là khi liên quan đến chia sẻ những bất bình, và đang làm thay đổi cơ chế hoạt động tập thể. Truyền thông mới vẫn đang được xem là ở trong “giai đoạn trỗi dậy” của tiến trình phát triển và vẫn còn một chặng đường dài để phấn đấu trước khi có thể thách thức ưu việt của truyền hình trong xã hội độc tài.

Bên cạnh đó, thế giới trực tuyến đang ngày một bị phân tán. Chế độ độc tài về bản chất tập trung siết chặt bảo vệ quyền lực và do đó sử dụng truyền thông nhà nước một cách có hệ thống hướng về mục tiêu này. Truyền hình chịu kiểm soát của nhà nước chuyển tải thông điệp chính quyền tới khán giả mà không bị cản trở. Mạng Internet, ngược lại, là một mớ hỗn tạp nhiều tiếng nói lệch pha – không phải là một bàn đạp tốt để thúc đẩy sự đối lập thống nhất, gắn kết chống lại thứ quyền lực hiện có./.

Còn tiếp

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.