Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Thể chế

Chính sách trật tự xã hội: “Quản lý” Trump hay “Nhà hoạt động” Clinton?

Published

on

Chủ đề trật tự xã hội và thượng tôn pháp luật luôn là một trong những trọng tâm chính trong chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên năm nay. Nhưng khái niệm này lại có ý nghĩa và giá trị rất khác nhau đối với hai ứng viên tổng thống của hai chính đảng lớn tại Hoa Kỳ.

Tội phạm và bạo lực

Trump biến những gì ông gọi là “sự trở lại của pháp luật và trật tự ổn định” thành tiêu điểm chiến dịch của mình. Ông dành rất nhiều thời gian cho vấn đề này trong bài diễn văn của mình tại Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng hòa, nơi ông tuyên bố: “Tội phạm và bạo lực mà ngày hôm nay đang làm bất ổn đất nước chúng ta, sẽ sớm – và ý tôi là rất sớm, đi đến hồi kết. Bắt đầu vào ngày 20 tháng 1 năm 2017 (ý chỉ ngày ông chính thức nhậm chức Tổng Thống – ND), sự an toàn sẽ được phục hồi.”

Cảnh sát và người biểu tình tại Quảng trường công cộng Cleveland trong ngày cuối cùng diễn ra Hội nghị quốc gia Đảng Cộng Hòa, tháng 7/2016. Ảnh: Dominick Reuter/AFP/Getty Images

Trump gần đây đã bày tỏ với Hiệp Hội Cảnh Sát Trưởng Quốc Tế (the International Association of Chiefs of Police) trong một bản điều tra bằng văn bản rằng ông sẽ làm giảm thiểu tội phạm bằng cách giới thiệu và thi hành chặt chẽ các đạo luật khung liên bang về kiểm soát nhập cư bất hợp pháp, buôn bán bất hợp pháp chất ma túy và buôn bán người.

Trong khi giết người và tội phạm bạo lực đang gia tăng ở một số thành phố lớn, các nhà tội phạm học và chuyên gia phân tích nói rằng chúng mang bản chất địa phương, cục bộ hơn là thể hiện xu thế chung của quốc gia. Trên phương diện lịch sử, sự đồng thuận chung cho rằng, Hoa Kỳ vẫn chưa chịu áp lực nào đáng kể so với tình trạng mất trật tự đã đe dọa hầu hết các thành phố lớn vào những năm 1970 đến đầu những năm 1990 – một sự thay đổi mà bà Clinton công nhận là thành quả của nhiều năm làm việc chăm chỉ của giới cảnh sát và các nhà chức trách cộng đồng.

Tuy nhiên, với cách tiếp cận khác, Clinton nói với các cảnh sát trưởng rằng bà sẽ tập trung ngăn chặn người phạm tội tái phạm và thúc đẩy các chiến lược giảm thiểu bạo lực bằng cách nhóm họp, kêu gọi giới tăng lữ, bạn bè và người thân của các thành viên trong băng đảng, tổ chức tội phạm tham gia tích cực vào việc giảm mức độ leo thang của tình hình, trước cả khi tội phạm xảy ra.

Bà nói thêm rằng bất kỳ kế hoạch nào nhằm cắt giảm vấn đề bạo lực cần phải được xem xét mức độ sẵn có của súng ống bất hợp pháp. Clinton nói rằng bà ấy muốn thấy một chiến dịch truy quét không nương tay đối với những người buôn lậu, vốn đã biến các thành phố Hoa Kỳ “tràn ngập” vũ khí. Bà cũng muốn Quốc hội thông qua một đạo luật kiểm tra lý lịch toàn diện để sở hữu súng, một vấn đề được công chúng Hoa Kỳ ủng hộ trong các cuộc thăm dò ý kiến, nhưng các nhà lập pháp vẫn ngần ngại chưa thực hiện được.

Vai trò của cảnh sát

Để công bằng, Trump có bày tỏ lo ngại về tình trạng cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức cần thiết và thậm chí giết chết những tình nghi không trang bị vũ khí. Tuy nhiên, ông thường tập trung vào cảm giác và khó khăn của giới cảnh sát thực thi pháp luật, đặc biệt là sau các cuộc tấn công thảm khóc nhắm vào cảnh sát ở Baton Rouge và Dallas vào năm nay.

Trong nhiều lần xuất hiện ở các chiến dịch, Trump đã nhấn mạnh vai trò của cảnh sát.

Tuần trước, Hội Cảnh Sát Thân Hữu (Fraternal Order of Police), một hiệp hội cảnh sát lớn tại Hoa Kỳ, đã ủng hộ Trump trong cuộc đua đến nhà trắng, tán dương cam kết của ông trong việc quảng bá hình ảnh của giới cảnh sát thi hành pháp luật và an toàn công cộng. Các quan chức tại FOP nói rằng bà Clinton đã không thèm đoái hoài đến sự ủng hộ của họ.

Bỏ ngoài những công kích cá nhân mà hai ứng cử viên dành cho nhau, sự khác biệt lý tính trong chính sách của họ mới là thứ mà người dân nên thật sự chú ý. Ảnh: CNN

Clinton nói về các vấn đề này một cách tổng quát hơn. Bà nói việc giết chết một viên chức cảnh sát hỗ trợ tư pháp là một “tội ác khủng khiếp”, nhưng cũng nhắc nhở các nhà lãnh đạo quốc gia không thể phớt lờ thống kê cho thấy người da đen đã bị lực lượng thi hành pháp luật hạ sát một cách không tương xứng so với những chủng tộc khác.

“Chúng ta có việc khẩn cấp phải làm là xây dựng lại lòng tin giữa cảnh sát và cộng đồng, và trở lại với nguyên tắc cơ bản: tất cả mọi người nên tôn trọng pháp luật và được tôn trọng bởi pháp luật” – bà Clinton chia sẻ với một thính giả đặt câu hỏi vào mùa hè năm ngoái về xung đột giữa giới cảnh sát và những người da đen.

Clinton nói rằng bà xem việc xây dựng lòng tin giữa cảnh sát và người da màu là vấn đề ưu tiên chính đối với tổng thống kế tiếp nắm quyền. Trong các bài phát biểu và trả lời các bản điều tra của giới chức cảnh sát, bà Clinton cho biết bà luôn ủng hộ việc gây quỹ liên bang nhằm tăng cường đào tạo cảnh sát viên về các vấn đề can thiệp khủng hoảng và tiết giảm leo thang bạo lực.

Bà cũng cho biết bà muốn chính phủ liên bang chi ngân sách để bảo đảm rằng tất cả các sở cảnh sát trên toàn quốc được trang bị camera gắn trên người (body-worn cameras) cho những cảnh sát viên thực thi nhiệm vụ tuần tra và can thiệp. Clinton ủng hộ dự luật cấm tạo lập hồ sơ tiền án dựa trên màu da, và cũng kêu gọi chính phủ liên bang hợp tác với các cơ quan địa phương để phát triển các đường lối chỉ đạo mang tính quốc gia trong trường hợp cảnh sát phải sử dụng vũ lực để chống lại người dân trên đường phố.

Giám sát việc thực thi pháp luật

Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, Vụ Dân quyền (Civil Rights Division) tại Bộ Tư pháp đã mở hàng loạt cuộc điều tra về vấn đề phân biệt chủng tộc và việc thực thi trái pháp luật tại các cơ quan cảnh sát tiểu bang. Từ Ferguson, Mo., đến Baltimore, Maryland.

Trump cho biết ông sẽ kết thúc các hành động đó. “Đúng là chính phủ liên bang phải đưa ra sự hỗ trợ trong việc thực thi pháp luật tại tiểu bang và các địa phương, nhưng họ không nên ra lệnh… hoặc can thiệp sâu vào nội bộ chính quyền tiểu bang, trừ khi được các cơ quan chức năng mời, hoặc, khi có những hành vi không thích hợp đã được xác minh một cách rõ ràng,” ông nói với IACP.

Trump nói thêm rằng chính phủ liên bang cũng không nên yêu cầu cung cấp thông tin về vụ việc nơi mà cảnh sát địa phương bắn người. Ông cho rằng hãy để cho các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước tiểu bang tự thực hiện thẩm quyền hợp hiến của họ.

Trong khi đó, Clinton áp dụng phương pháp tiếp cận mang hơi hướng của những nhà hoạt động dân quyền. Clinton hứa sẽ dành một tỷ đô trong ngân sách liên bang thời điểm ban đầu khi bà làm tổng thống để tài trợ cho các chương trình đào tạo và nghiên cứu nhằm làm giảm thiểu khuynh hướng thành kiến chủng tộc tiềm tàng trong việc thực thi pháp luật./.