Tam quyền phân lập – Câu trả lời cho “Lời nguyền tài nguyên”?

Tam quyền phân lập – Câu trả lời cho “Lời nguyền tài nguyên”?

Sự thật về “lời nguyền tài nguyên” là một lời nguyền “nói có sách, mách có chứng” trong lịch sử nhà nước hiện đại.

Các quốc gia phong phú về tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ hoặc đá quý thường “bị nguyền rủa” với chế độ độc tài thối nát và có nguy cơ xung đột nội bộ cao hơn. Lời nguyền là rào cản chính trong việc đảm bảo công bằng mang tính toàn cầu. Những tác phẩm của Thomas Pogge và Leif Wenar đã giúp cách mạng hóa trong việc hiểu vì sao chúng lại diễn ra.

Cả hai đều lập luận rằng các vai trò nhập khẩu của các quốc gia đóng vai trò sống còn để giải thích “lời nguyền” này. Tôi đồng ý, nhưng sẽ bổ sung thêm một lưu ý quan trọng mà họ bỏ qua: nhu cầu cải cách hiến pháp của các quốc gia xuất khẩu.

Chấp nhận mọi chính phủ, kể cả đảo chính, vì lợi ích tài nguyên?

Pogge nhấn mạnh những gì ông gọi là “đặc quyền tài nguyên quốc tế” đã và đang góp phần hiện thực hóa Lời nguyền tài nguyên.

Ý tưởng chính của ông nói đến việc các quốc gia lệ thuộc nhập khẩu thường công nhận những nhà cầm quyền của các quốc gia xuất khẩu như những người có thẩm quyền tài phán chính danh đối với lãnh thổ của họ. Vì vậy họ đương nhiên cũng có quyền hành đối với việc bán tài nguyên thiên nhiên cho các quốc gia nhập khẩu. Đây được xem là một cách để ổn định hóa nguồn cung nguyên liệu cho nền công nghiệp của các quốc gia nhập khẩu.

oil-gas

Một giếng dầu đang được khai thác. Ảnh minh họa: Vlahovic Group

Không gây ngạc nhiên, của cải có được thông qua những giao dịch này thường có xu hướng làm giàu thêm cho những người cầm quyền mà không có chút lợi ích nào cho đa số người dân.

Pogge lập luận rằng đặc quyền tài nguyên quốc tế này thường làm trầm trọng các xung đột dân sự cũng như vũ trang tại quốc gia xuất khẩu. Những người giành được quyền lực luôn sở hữu khối tài sản khổng lồ; làm suy yếu việc chia sẻ quyền lực và dân chủ tại địa phương, do giới cầm quyền đang nắm giữ một nguồn lực tài chính không phụ thuộc vào người dân của quốc gia đó (như thuế). Điều này dẫn đến việc họ không cần lắng nghe bất cứ phản ứng nào từ dân chúng và càng đẩy mạnh những bất công trên nhiều lĩnh vực khác.

“Đặc quyền tài nguyên quốc tế”, Pogge lập luận, không hoàn toàn là lỗi của các quốc gia xuất khẩu. Nếu các quốc gia nhập khẩu chấp nhận ngừng công nhận thứ đặc quyền này, những bất công đi kèm có thể được chấm dứt.

Một lý do nữa mà nhân dân tại các nước giàu tài nguyên thiên nhiên thường hoặc buộc phải chịu đựng chính phủ độc tài thối nát, hoặc phải đối mặt với chiến tranh dân sự tái diễn đều đặn, là bởi vì các phe phái chính trị thường có xu hướng lật đổ chế độ hiện hành thông qua vũ lực hay đảo chính.

Vì sao khả năng trên lại rất cao?

Một là, việc duy trì chính phủ không dân chủ đảm bảo rằng quyền lực chính trị sẽ mang đến khối của cải lớn cho giai cấp cầm quyền. Vậy nên không có lý do gì các phe phái đối lập lại phải dành thời gian thông qua các cơ chế dân chủ để nắm chính quyền.

Hai là, các quốc gia nhập khẩu thường lựa chọn nhìn nhận ngay cả những kẻ cầm đầu cuộc đảo chính như là đối tác hợp pháp trong thương mại quốc tế (cũng cùng một lý là duy trì nguồn cung ổn định – ND).

Nếu sự hỗn độn này ngừng lại hoặc một số tiêu chuẩn nhất định về quản lý nhà nước hiệu quả được áp đặt, các phe phái sẽ có ít động cơ hơn để tranh giành quyền lực bằng bạo lực hay tìm cách duy trì quyền lực bằng cách tước bỏ quyền của dân chúng.

Gắn liền “Chính phủ minh bạch” với lợi ích thương mại

Leif Wenar thì lập luận rằng những cải cách căn cứ dựa trên các quan điểm lập pháp quốc tế, thay vì chỉ tập trung vào lợi ích quốc gia, có tính khả thi hơn cả.

Cụ thể, ông ấy khuyến nghị rằng nên hình thành trách nhiệm giải trình liên tục, kết hợp điều kiện với hành vi của chính quyền nên được thiết lập.

Theo đề nghị này, sự thi hành mạnh mẽ các chính sách quốc gia liên quan đến biện pháp tăng cường minh bạch, giảm tham nhũng, và một hệ thống tư pháp nghiêm ngặt, hiệu quả để xử lý tham nhũng, tham ô; sẽ là căn cứ xem xét để được ưu đãi tiếp cận thị trường quốc tế và tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nếu chúng ta có thể nhất trí xây dựng các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về quản lý chính phủ một cách phổ quát, nó có thể giải quyết được Lời nguyền tài nguyên. Tuy nhiên, Wenar cũng nhìn nhận được rằng, vấn đề không phải là chúng ta thiếu những tiêu chuẩn mang tính toàn cầu như vậy, mà đúng hơn là chúng ta không thực hiện chúng một cách thực sự.

Phân chia quyền lực và lời nguyền tài nguyên

Những điểm đã xem xét ở trên cho chúng ta điều kiện cần, nhưng chưa phải điều kiện đủ. Chúng ta có thể, và nên đi xa hơn thế. Tăng cường sự minh bạch của chính phủ có thể tạo điều kiện cho sự gia tăng những chỉ trích đối lập dành cho những nhà cầm quyền độc tài và tham nhũng, nhưng bấy nhiêu có thể vẫn chưa đủ.

Một yếu tố còn bị bỏ sót trong các phân tích về lời nguyền tài nguyên là, các chính phủ cần phải bị tác động không chỉ về mặt quản trị, mà còn về cấu trúc và mô hình hiến pháp. Ở đây, tôi nghĩ rằng cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phân chia quyền lực.

Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lời nguyền tài nguyên như – Algeria, Nigeria, Sudan, và nhiều quốc gia khác – tất cả đều đang hứng chịu bộ máy hành pháp có quá nhiều quyền lực.

SPLA soldiers redeploy south from the Abyei area in line with the road map to resolve the Abyei crisis.

Một nhóm lính thuộc Quân Giải Phóng Nhân Dân Sudan được triển khai về vùng Abyei để giải quyết khủng hoảng tại đây. Ảnh minh họa: Insight on Conflict

Có nhiều lý do tại sao nhiều quốc gia; nhưng không phải tất cả (chẳng hạn như Hoa Kỳ với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ); không chống chọi nổi với lời nguyền tài nguyên.

Một đất nước thiếu sự phân chia quyền lực hợp lý sẽ có khả năng phải gánh chịu một chế độ độc tài tham nhũng và xung đột chính trị cao hơn. Tại đó, không có nhánh quyền lực nhà nước nào đủ thẩm quyền để thách thức các quyết định và hành động bởi một bộ máy hành pháp lạm quyền và vô trách nhiệm. Hơn nữa, chi phí đối với các đảng phái có mong muốn kiểm soát chính phủ bằng vũ lực thì (tương đối) nhỏ: họ chỉ cần vượt qua bộ máy hành chính đó. Quyền lực chuyên chế là căn cơ cơ bản nhất gây ra tham nhũng, cho dù trong tay của chỉ một vị tổng thống.

Phân tích của tôi chấp nhận quan điểm của Pogge và Wenar, nhưng tôi khuyến nghị rằng sự thay đổi cấu trúc mang bản chất hiến pháp và, đặc biệt là, tầm quan trọng chính yếu trong việc đảm bảo sự phân chia quyền lực giữa các nhánh quyền lực trong nhà nước, là một phần bổ sung của chiến lược liên quan đến các biện pháp thương mại lớn hơn.

Chúng ta nên mở rộng điều kiện cho các ưu đãi thương mại phải tính đến cả sự thay đổi cấu trúc quyền lực trong hiến pháp của quốc gia sở tại. Điều này có thể xác nhận một thách thức lớn trên thực tế vì sự thay đổi hiến pháp có thể khó được đảm bảo và chậm ban hành. Nhưng sự thay đổi như vậy không phải là bất khả thi.

Yêu cầu phân chia quyền lực là đủ linh hoạt để cho phép sự chủ động cần thiết trong việc làm thế nào để các quốc gia có thể tiến tới một mô hình hợp lý nhất cho họ. Tại Hoa Kỳ, tam quyền phân lập có thể xem là một mô hình hiệu quả. Nhưng chắc chắn chúng ta vẫn còn nhiều mô hình khác nên được tìm hiểu và xây dựng để phù hợp với đặc điểm từng quốc gia.

Lời nguyền tài nguyên là một vấn đề phức tạp và bị tác động bởi nhiều yếu tố. Nó chiếm ngay một vị trí quan trọng trong các cuộc tranh luận về công lý toàn cầu. Nhiều giải pháp được đề nghị nhắm đến việc tạo động lực kinh tế và làm cho thương mại quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách cai trị. Chúng tôi nghĩ rằng cũng cần thêm vào danh sách này nhu cầu thay đổi hiến pháp. Sự phân chia quyền lực, tự nó có thể không đủ để đảm bảo cho bất kỳ nhà nước nào sẽ vượt qua được lời nguyền tài nguyên, nhưng lời nguyền này khó có thể vượt qua mà không kết hợp với sự phân chia quyền lực nhà nước như là một phần tất yếu của giải pháp.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.