Liu Xiaobo đã gánh khổ nạn, để mỗi người chúng ta được tự do

Liu Xiaobo đã gánh khổ nạn, để mỗi người chúng ta được tự do
Buổi thắp nến yêu cầu trả tự do cho Liu Xiaobo tại Hong Kong tháng 7/2017. Ảnh: Reuters/Bobby Yip

Giữa muôn vàn thông tin về giáo sư và nhà bất đồng chính kiến Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) trong những ngày qua, Luật Khoa tạp chí xin gửi đến bạn đọc bản lược dịch bài xã luận – Liu Xiaobo has suffered, so others may be free – của ký giả kỳ cựu Nicholas Kristof, viết như một lá thư gửi bạn thâm giao, đăng ngày 8/7/2017 trên báo New York Times.

***

Liu Xiaobo thân mến,

Ông có lẽ là người mà tôi ngưỡng mộ nhất. Trong vài thập niên qua, ông đã đấu tranh không ngừng nghỉ và cũng đã chịu không ít khổ sở vì công cuộc thúc đẩy tự do cho nhân loại. Ông đã đánh đổi quá nhiều vì lý tưởng đó, và giờ đây, có lẽ ông đang đánh đổi cả mạng sống của mình.

Ông là khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình và là một Mandela của thời đại chúng ta, nhưng so với Mandela, kết cục của ông lại khác biệt đến mức đáng sợ. Trong khi Nelson Mandela rốt cuộc có thể trở thành tổng thống Nam Phi, ông lại bị mang từ một nhà tù ở tận một vùng xa xôi hẻo lánh của Trung Quốc đến một bệnh viện, nơi mà người ta vẫn tiếp tục quản thúc ông. Vợ của ông cho biết, tình trạng bệnh gan của ông đã đến mức không thể phẫu thuật nữa. Vậy mà chính quyền Trung Quốc vẫn thật độc ác, khi không cho phép ông ra nước ngoài để kiếm tìm thêm phương pháp chữa trị.

Tôi viết lá thư ngỏ này, một phần cũng là mong có thể yêu cầu Chủ tịch Xi Jinping (Tập Cận Bình) cho phép ông xuất ngoại chữa trị. Nhưng lý do đã khiến tôi thật sự muốn viết chính là vì tôi tin rằng, những thể chế dân chủ “trưởng thành” của Tây phương cần phải học rất nhiều từ ông.

Là một nhà báo, tôi phải nhìn mỗi ngày những chiêu trò đổi trắng thay đen, những sự chải chuốt đỏm dáng, và cả thói đạo đức giả – thế nhưng từ ngục sâu tăm tối, ông lại chính là hiện thân của những giá trị dân chủ một cách chân thật và mãnh liệt, hơn hẳn bất cứ vị lãnh đạo nào của những đất nước dân chủ.

Tôi phải tự hỏi, không biết ông sẽ có suy nghĩ ra sao về cách thức mà những người Tây phương chúng tôi đang đối xử với các quyền tự do của bản thân. Ông, người đã hy sinh cả đời để đổi lấy tự do, liệu những câu tweets từ Donald Trump có khi nào đả động được niềm tin của ông vào nó?

Tôi đã gặp ông lần đầu khi tôi và vợ dọn đến Trung Quốc vào những năm của thập niên 1980. Lúc ấy, ông đã vội vã bỏ công việc thỉnh giảng của mình tại Đại học Columbia, bay trở về Trung Quốc để có thể tham gia phong trào Thiên An Môn năm 1989, và nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt lãnh đạo.

Khi quân đội chính phủ nã súng vào đoàn sinh viên và những người biểu tình để đàn áp nó một cách không thương tiếc, ông đã có thể bỏ trốn. Nhưng không, ông đã bỏ mặc an nguy của bản thân và tìm cách thương thảo với lực lượng quân đội, để hàng trăm sinh viên có thể được an toàn rời khỏi khu vực trung tâm của quảng trường Thiên An Môn.

Đã có những người sinh viên của ông sẵn sàng muốn hy sinh, đòi sống chết ngay tại quảng trường nếu cần thiết, nhưng ông đã khuyên nhủ họ thoái lui và giữ lại tính mạng của mình. Ông đã chặn đứng một cuộc đổ máu – nhưng cũng vì làm điều đó, mà ông đã bị bắt giữ và biến mất khỏi xã hội khi chính quyền bí mật bỏ tù ông tại nhà tù Qincheng trong gần hai năm trời.

Ông đã có một cơ hội nữa để sống đời an nhàn khi được đề nghị đi định cư tại nước ngoài vào những năm 1990. Nhưng lại thêm một lần, ông chọn ở lại với quê hương. Hơn thế, ông vẫn tiếp tục công cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do – để họ lại quăng ông vào tù.

Sau khi được tự do, năm 2008 ông đã chắp bút cho một bản hiến chương ôn hòa, trung dung và đầy đủ lý lẽ, kêu gọi cải cách dân chủ và đòi hỏi tự do. Đó cũng là lần cuối cùng tôi được nói chuyện với ông.

Lúc ấy tôi đang ở Beijing và đã gọi điện cho ông để ghé thăm. Ông bắt máy, nhưng ngay khi tôi vừa nói tên mình trong tiếng Trung thì đường dây đã bị nhân viên an ninh theo dõi cắt đứt ngay lập tức, và điện thoại nhà ông cũng lập tức nằm ngoài vùng phủ sóng.

Không lâu sau đó, ông đã bị bắt và bị tuyên án 11 năm tù. Chính quyền vẫn chưa buông tha, họ bắt đầu đàn áp vợ ông, bà Liu Xia, để tạo áp lực cho ông.

Tôi vẫn nhớ rõ lá thư tình mà ông đã từng viết cho vợ: “Tình yêu của nàng chính là tia nắng ấm xuyên qua những cách cổng trại giam, dịu dàng ve vuốt tôi và sưởi ấm từng tế bào trong thân thể … và khiến cho mỗi giây phút tù tội của tôi ngập tràn ý nghĩa.”

Ông thường nói về những điều mà Trung Quốc có thể học hỏi từ phương Tây. Nhưng thật lòng mà nói, chúng tôi, những kẻ Tây phương, nên học rất nhiều thứ từ ông – đặc biệt là về ý nghĩa của dân chủ.

Trước hết, ông là người tuyên xưng những giá trị đạo đức của sự tiết chế và việc thỏa hiệp, là những thứ mà chúng tôi có lẽ đã quá mệt mỏi để nhớ đến. Trong thời điểm mà rất nhiều người trong chúng tôi cho rằng, bày tỏ thái độ hòa giải là một dấu hiệu của sự nhu nhược thì ông đã nhắc nhở: chính trị là kết quả của việc biết lắng nghe để có thể giải quyết các vấn đề. Đó cũng là cách mà ông đã cứu tính mạng của những người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn.

Thứ hai, ông dám suy nghĩ vượt qua dân tộc tính của mình. Ông đã can đảm ký vào bản kiến nghị yêu cầu quyền tự trị cho Tây Tạng và mở ra những cuộc thương thảo thật sự với Đức Dalai Lama, cho dù bày tỏ thái độ mềm dẻo như thế – đối với chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc – là một việc làm rất không được hoan nghênh. Dám đứng ngược lại quan điểm của số đông công chúng đòi hỏi sự can đảm phi thường về mặt đạo đức, đó chính là sự can đảm mà tôi mong là có thể nhìn thấy ở nhiều vị lãnh đạo của chúng tôi.

Thứ ba, ông là kiểu mẫu của lòng cao thượng trong chính trị, sẵn sàng đưa ra một ý chí “tầm cao” ngay cả khi chính quyền đối xử với ông và vợ một cách hết sức tàn ác.

Người Mỹ chúng tôi thì có vẻ như đang luống cuống ở phía đối lập với lòng cao thượng đó, khi sẵn sàng biến những ai không đồng ý với mình thành những kẻ cùng hung cực ác. Đến mức mà tôi đồ là, có một số trong chúng tôi hình như đã không thể nào làm thông gia với kẻ thuộc đảng chính trị đối lập nữa rồi.

Trong khi ông là một người hoàn toàn có quyền oán hận kẻ khác, nhưng lại tuyên bố: “Tôi không có kẻ thù,” và đã viết rất nhiều lời tốt đẹp về những người đã mang ông ra truy tố.

“Sự thù hằn có thể hủy hoại trí tuệ và lương tâm của một con người,” ông đã đưa ra lời diễn giải như thế từ trong ngục. Ông còn cảnh báo là “lòng thù địch” sẽ “hủy diệt lòng khoan dung và tính nhân bản của một xã hội”.

Tại Trung Quốc, nhiều người gọi ông là “Thầy Liu.”

Và chúng tôi – những người học trò của ông – đều hy vọng và cầu nguyện rằng ông tìm được sự an ủi, khi biết là những hy sinh của ông đã để lại những giá trị vĩnh cửu trong mỗi người.

Ông thật sự là một người thầy của thế giới.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.