Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Dân chủ hóa

Thảm sát 3/4/1948: Đừng lãng quên những oan hồn trên đảo Jeju

Published

on

Ảnh: An Nhiên/Luật Khoa tạp chí

Đảo Jeju vào những ngày cuối xuân đón chào du khách bằng một bầu trời trong xanh và nắng vàng phủ khắp những con đường đầy hoa anh đào, đẹp hệt như cảnh trong các bộ phim drama tình cảm Hàn Quốc nổi tiếng.

Thế nhưng, đằng sau khung hình lung linh, lãng mạng ấy lại là một vùng quá khứ đầy đau thương và u uất của người dân nơi đây, cùng với những sang chấn tâm lý vẫn đeo bám họ một cách đầy ám ảnh mỗi ngày.

Công cuộc chuyển đổi sang dân chủ của Hàn Quốc thường được giới nghiên cứu quốc tế đánh giá cao với những nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân tại đây trong nhiều thập niên dài, mà tiêu biểu nhất là cuộc nổi dậy ở Gwangju ngày 18/5/1980.

Tuy nhiên, lại có rất ít người biết đến những mất mát to lớn trong hàng chục thập niên của cư dân tại một địa phương khác ở Nam Hàn trong suốt quá trình chuyển đổi dân chủ ấy, chính là đảo Jeju.

Đúng bảy thập niên trước, vào ngày 3/4/1948, gần như toàn bộ dân chúng đảo Jeju đã bị chính quyền Nam Hàn cáo buộc là người của phe cộng sản và bị tàn sát đẫm máu trong sự đồng tình của quân đội Hoa Kỳ – vốn đang nắm quyền kiểm soát tại đây sau Thế chiến Thứ hai.

Cuộc đàn áp không dừng lại sau ngày hôm đó, mà còn tiếp tục trong gần bảy năm tiếp theo, cho đến sau khi cuộc nội chiến Nam-Bắc ở Hàn tạm đình chiến vào năm 1953.

Theo một số thống kê, con số người chết trong cuộc thảm sát tại Jeju năm 1948 ở vào tầm 30.000, tức là khoảng 10% dân số toàn bộ hòn đảo này khi đó. Thế nên, bất kể là bạn đặt chân đến đâu thì linh hồn của những người đã bị giết vì xung đột ý thức hệ tại Jeju đều có thể vương vấn bên cạnh bạn.

Hài cốt các nạn nhân trong Thảm sát Jeju 3/4/1948 được tìm thấy tại sân bay Jeju. Ảnh: Yang Jo Hoon/Jejuweekly.

Ngay tại sân bay quốc tế Jeju, vào năm 2008, người ta đã khai quật được một ngôi mộ tập thể của hàng trăm nạn nhân liên quan đến thảm sát 3/4/1948. Theo một số cư dân tại Jeju, thì sân bay quốc tế này vẫn đang nằm trên các bộ hài cốt của nhiều nạn nhân khác.

Các kiến trúc “oreum” hình nón rải rác khắp đảo không chỉ đơn thuần là những mảnh ghép nham thạch, mà rất có thể đó là các ngôi mộ tập thể của những nạn nhân. Ngay tại thắng cảnh du lịch nổi tiếng, đỉnh núi Halla, thì ở đấy cũng có một cửa hang động vốn là một trong những địa điểm chôn xác người.

Bối cảnh của cuộc thảm sát: Bán đảo Triều Tiên trước và ngay sau khi bị chia đôi bởi ý thức hệ Cộng sản – Tư bản

Thế chiến thứ Hai chấm dứt, phe Đồng minh và khối Cộng sản bắt đầu phân chia lại trật tự thế giới, trong đó có vùng Đông Á và bán đảo Triều Tiên.

Sau khi Nhật Bản đầu hàng và trước khi cuộc nội chiến nổ ra giữa hai miền Nam, Bắc Hàn, thì văn hóa chính trị tại đây vẫn chưa phân cực rõ ràng giữa hai phe tư bản và cộng sản.

Ngược lại, tại từng làng mạc, thành phố, địa phương trên cả nước, người Hàn vẫn theo đuổi các lý tưởng, chủ thuyết khác nhau và cũng rất sẵn sàng sống chết với nhau để bảo vệ cho niềm tin của mình.

Lãnh đạo Kim Il-sung của phe Cộng sản Hàn Quốc phát biểu trong một buổi mít tinh chung hai miền tháng 4/1948. Ảnh: nknews.org.

Đảo Jeju cũng không nằm ngoài lề cuộc chiến ý thức hệ giữa những người dân Hàn Quốc, cả trước lẫn sau khi họ chuyển sang dùng vũ khí và lằn ranh ở vĩ tuyến 38 để đấu với nhau vào năm 1950.

Jeju vốn có lịch sử phản kháng lại chính quyền trung ương ở Seoul từ những ngày Nhật Bản còn thống trị bán đảo Triều Tiên.

Tình trạng đói nghèo, thiếu ăn, và bệnh tật trên đảo sau khi Thế chiến kết thúc cũng khiến người dân Jeju dành nhiều cảm tình hơn cho chủ thuyết cộng sản, so với chế độ tư bản đang được người Mỹ thiết lập ở miền Nam Hàn Quốc.

Ngày 14/11/1947, Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua một nghị quyết – UN Resolution 112 – kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử trên toàn bán đảo Triều Tiên do một ủy ban của LHQ giám sát.

Tuy nhiên, Liên Xô – khi đó đang chiếm đóng miền Bắc – đã từ chối hợp tác và tuân thủ nghị quyết này, cũng như không cho phép ủy ban giám sát bầu cử của LHQ được tiến vào khu vực mà họ đang kiểm soát.

Và vì vậy, Đại hội đồng LHQ phải thông qua một nghị quyết khác, kêu gọi tổ chức bầu cử ở tất cả các khu vực mà LHQ có thể tiếp cận được. Điều đó có nghĩa là tổng tuyển cử chỉ có thể xảy ra ở những vùng mà quân đội Hoa Kỳ đang nắm quyền kiểm soát ở miền Nam.

Một cuộc biểu tình chống chính phủ tại Seoul, Nam Hàn năm 1948. Ảnh: art-in-society.de.

Việc kiên quyết tổ chức cuộc tổng tuyển cử của người Mỹ và phe miền Nam bị phe cộng sản và miền Bắc lên án là hành động chia cắt hai miền đất nước Hàn Quốc. Lực lượng cộng sản và đảng Công nhân Triều Tiên ở miền Nam lập tức kêu gọi tẩy chay cuộc tổng tuyển cử mà họ cho là LHQ đã bị Mỹ thao túng nhằm đặt Syngman Rhee vào chức vụ tổng thống.

Jeju cũng nằm trong số những địa phương kiên quyết chống lại cuộc tổng tuyển cử này.

Những người Cộng sản ở Jeju đã họp với tất cả những ai ủng hộ họ vào đầu năm 1947 để quyết định tổ chức các cuộc biểu tình phản đối một cách dài hơi cuộc tổng tuyển cử ngày 10/5/1948, bắt đầu vào ngày kỷ niệm phong trào kháng Nhật 1/3/1947.

Cuộc biểu tình ngày 1/3/1947 nổ ra và bị chính quyền đàn áp bằng vũ lực vì thống đốc Jeju khi đó – Yu Hae Jin – là một người cực kỳ bảo thủ và chống cộng rất quyết liệt. Cảnh sát đã nã đạn vào đoàn người, giết chết sáu người và làm bị thương tám người.

Ngay lập tức, chi bộ đảng Lao động Triều Tiên tại Jeju đã kêu gọi một cuộc nổi dậy, tấn công vào các đồn cảnh sát và nhà của các chính trị gia đối lập để đáp trả.

Bạo lực gia tăng khi nó bị đáp trả lại bằng bạo lực vì phe chính quyền Jeju đã ra lệnh tiếp tục đàn áp và bắt bớ những nhân vật tả khuynh trong suốt một năm sau sự kiện 1/3/1947.

Trong thời kỳ này, rất nhiều người bị bắt đã bị tra tấn đến chết trong tù. Một điều tra viên Hoa Kỳ đã kể lại, ông chứng kiến cảnh 35 tù nhân bị nhốt chen chúc cùng nhau trong một xà lim cỡ 1.5 mét vuông.

Nhà nghiên cứu Yang Jo Hoon (và cũng là Phó thống đốc đảo Jeju vào thời điểm năm 2010) cho biết:

“Quân đội Hoa Kỳ khi đó đã kết luận Jeju là một đảo ‘Đỏ’ và hầu như tất cả dân cư đều có khuynh hướng ủng hộ cánh tả. Và vì vậy, trong suốt thời kỳ Hoa Kỳ chiếm đóng, việc người dân Jeju luôn biểu tình chống lại chính quyền là một cái gai trong mắt người Mỹ”.

Con số thương vong trong cuộc nổi dậy ngày 3/4/1948 tại Jeju chỉ đứng sau cuộc Nội chiến Nam-Bắc Hàn

Vào lúc hai giờ sáng ngày 3/4/1948, những nhóm quần chúng nổi loạn đã tấn công vào các đồn cảnh sát, văn phòng cơ quan chính phủ. Gần 50 nhân viên cảnh sát bị giết chết trong ngày hôm đó.

Một vòng xoáy của khủng bố và chống khủng bố bắt đầu quay vòng trên hòn đảo Jeju, và kéo dài xuyên suốt nhiều thập niên khi phe cảnh sát và các nhóm cánh hữu thẳng tay đánh đập và tàn sát cư dân đảo để trả thù.

Một số người bị chính quyền bắt giữ và tuyên án tử hình trong cuộc Thảm sát 3/4/1948. Ảnh: wikipedia.

Theo thống kê, đã có 39.285 ngôi nhà bị tàn phá và hơn nửa tổng số các ngôi làng trên đảo đã bị hủy hoại toàn bộ, đặc biệt là các vùng cư trú xung quanh đỉnh núi Halla. Trong tổng số 400 ngôi làng, thì chỉ có 170 làng là còn có người sống sót sau cuộc thảm sát.

Theo một báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Sự kiện 3/4 ở Jeju, 25.000 đến 30.000 người đã bị giết hoặc mất tích và gần 4.000 người chạy trốn đến Nhật Bản trong suốt thời kỳ chính quyền đàn áp cuộc nổi dậy này.

Ngoài dân thường, thì còn có các nhân viên cảnh sát, lực lượng quân đội, lính Hoa Kỳ và các phe thân chính quyền trên đảo cũng bị sát hại, nên tổng số người chết có thể lên đến hơn 40.000.

Người chết thì đã đành, tuy nhiên, sự phân biệt đối xử của chính quyền Nam Hàn với người dân Jeju thì không dừng lại ở đấy.

Sau khi tình trạng thiết quân luật được ban bố trên toàn đảo sau cuộc thảm sát ngày 3/4, thì Jeju bị xem là một cộng đồng “Đỏ”, một nơi chứa chấp toàn những kẻ thân cộng và “phản động” trong gần 40 năm sau đó.

Tác giả John Merrill, người hoàn thành luận văn thạc sĩ của mình vào năm 1975 về sự kiện Thảm sát 3/4 ở Jeju, đã viết:

“Không nơi nào quân đội (Mỹ) chiếm đóng sau một cuộc chiến mà sự phản kháng của người dân lại trở nên đầy bạo lực như thế”.

Cuộc thảm sát đã được báo New York Times – trong một bài viết ngày 24/10/2001 – gọi là một “chiến dịch thanh tẩy tất cả những người cộng sản nổi dậy”.

Xác các nạn nhân trong Thảm sát Jeju. Ảnh: justicewithpeace.org.

Còn theo tổ chức Jeju Dark Tours, một NGO đang làm công việc kể lại câu chuyện về thảm sát Jeju năm 1948, thì chính quyền Nam Hàn khi ấy còn sử dụng một lực lượng thanh niên chiêu hồi từ miền Bắc vốn rất cực hữu đến Jeju, để giúp họ “ổn định” tình hình tại đây.

Lực lượng này có tên là Liên minh Thanh niên Tây Bắc (Northwest Youth League), và đã tham gia đàn áp người dân trên đảo cùng với cảnh sát và quân đội.

Mang trong lòng mối căm thù chế độ cộng sản mãnh liệt ở miền Bắc, những thanh niên này đã không ngần ngại thủ tiêu những ai bị cáo buộc là cộng sản hoặc “thân cộng” ở miền Nam. Không những vậy, một số thành viên của liên minh này còn hãm hiếp phụ nữ Jeju rồi ép họ phải thành hôn với mình, và những cặp đôi này phải sống với nhau trong hàng thập niên dài.

Nỗi căm phẫn và oán hận của người dân Jeju, vì vậy, không chỉ đến từ việc bị đàn áp từ bên ngoài mà còn từ những xung đột tiềm ẩn ngay bên trong gia đình, và nó kéo dài đến tận ngày nay.

Mặt khác, tình trạng đàn áp những người có tư tưởng “lề trái” ở Nam Hàn xuyên suốt thời kỳ độc tài là rất khắc nghiệt.

Nếu trong lý lịch gia đình của một người có bất kỳ điểm nào liên quan đến “cộng sản”, thì cũng có nghĩa là con đường thăng tiến trong xã hội và tương lai của người đó hoàn toàn chấm dứt. Điều này đã khiến cho nhiều người dân Jeju phải tìm cách che giấu việc bản thân đã từng bị bắt bớ, tra tấn và đánh đập trong hàng chục thập niên, hầu giữ một lý lịch “sạch” cho con em họ.

Tổng thống Roh Moo-hyun xin lỗi các nạn nhân Thảm sát Jeju. Ảnh: Yang Jo Hoon/Jejuweekly.

Những nỗ lực tìm kiếm sự thật và hàn gắn vết thương chung

Tháng 1/2000, hơn 50 năm sau cuộc thảm sát, một đạo luật đặc biệt được thông qua, đòi hỏi chính phủ Hàn Quốc phải tìm hiểu sự thật về những gì đã xảy ra đối với người dân Jeju trong ngày 3/4/1948.

Nhiều nỗ lực được thực thi trong việc đánh giá lại các vụ giết người, bồi thường cho gia đình những người bị giết và trả lại danh dự cho các nạn nhân trong vụ thảm sát 3/4/1948.

Tháng 10/2003, Tổng thống Roh Moo-hyun đại diện cho chính phủ chính thức gửi lời xin lỗi những nạn nhân đảo Jeju:

“Bởi vì những quyết định sai lầm của chính phủ mà rất nhiều người dân Jeju đã bỏ mạng oan uổng và nhà cửa của họ đã bị hủy hoại. Tôi thành kính nghiêng mình trước những nạn nhân chết oan, cũng như cầu nguyện cho các linh hồn này”.

Đó là lần đầu tiên một vị tổng thống Hàn Quốc tại vị gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân của Thảm sát 3/4.

Công viên Hòa bình Jeju 3/4 (Jeju 4.3 Peace Park), Nhà tưởng niệm Neobeunsung (Neobeunsung Sacred Memorial for Victims of Jeju 4.3), nghĩa trang Jeju Baekjoilson, và nghĩa trang Manbengdui ngày nay đều nằm trong số những công trình kiến trúc được xây dựng trong vòng một thập niên vừa qua, với mục đích kể lại câu chuyện đã bị lãng quên trong nhiều năm của các nạn nhân 3/4/1948 – rất nhiều người trong số họ đã không thể tìm được hài cốt để cải táng.

Tuy nhiên, theo tổ chức Jeju Dark Tours, ẩn giấu đằng sau sự phát triển và phồn vinh của một xã hội văn minh ngày nay, thì nỗi đau tinh thần của người dân Jeju về cuộc thảm sát 3/4/1948 cùng những hệ lụy sau đó vẫn chưa hề thuyên giảm.

Những người sống sót đã phải chịu đựng nỗi đau của mình trong câm lặng hơn nửa thế kỷ mà không hề nhận được một lời xin lỗi chân thành nào từ những kẻ thủ ác. Hơn thế, câu chuyện về quá khứ đen tối của Jeju thường xuyên bị truyền thông bỏ qua, để nhường chỗ cho hình ảnh một đảo ngọc xinh đẹp, yên bình, dễ dàng thu hút du khách.

Và vì vậy, tại Jeju ngày nay, những nỗ lực giải quyết mâu thuẫn giữa người dân với nhau cùng được chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội dân sự tiến hành hằng ngày. Một trong những việc các cơ quan và tổ chức này cho rằng cần phải làm nhất, đó là kêu gọi mỗi người hãy góp phần kể lại những gì đã xảy ra ở Jeju vào 70 năm trước.

Vì chỉ khi nhìn nhận sự thật của lịch sử thì người ta mới học được bài học cho tương lai.

Tài liệu tham khảo: