Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Xã hội

Hợp đồng tiền hôn nhân và một kịch bản khác cho vụ ly hôn Thảo – Vũ

Published

on

Hợp đồng tiền hôn nhân giúp giảm thiểu tranh chấp? Ảnh: iStock.

Như vậy là vụ ly hôn “nghìn tỷ” giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã tạm khép lại với bản án sơ thẩm. Phiên tòa sơ thẩm của vụ ly hôn này đã kéo dài từ ngày 21/2, sau đó tạm hoãn trước khi Hội đồng xét xử tuyên án sơ thẩm vào ngày 27/3.

Nội dung mấu chốt của vụ án xoay quanh việc phân chia tài sản của đôi vợ chồng tỷ phú, vốn gồm số cổ phần trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, hàng chục bất động sản và số tiền, vàng trị giá 1.764 tỷ đồng.

Cách chúng ta nửa vòng trái đất, một cuộc chia tay khác giữa CEO tập đoàn Amazon Jeff Bezos và người vợ MacKenzie Tuttle cũng được cho là sẽ kéo dài và phức tạp do vấn đề tài sản. Đôi vợ chồng này kết hôn vào năm 1994, trước thời điểm Bezos thành lập Amazon. Vì vậy, không chắc Bezos và vợ đã có hợp đồng tiền hôn nhân liên quan đến việc phân chia tài sản bởi loại hợp đồng này còn chưa phổ biến vào thời điểm đó.

Hai vụ chia tay kể trên có một điểm chung là đều gặp vấn đề khi phân chia tài sản. Nếu hai cặp vợ chồng tỷ phú có quan tâm tới hợp đồng tiền hôn nhân, họ sẽ không gặp kết cục như hiện tại. Không riêng gì những đôi vợ chồng giàu có, hợp đồng tiền hôn nhân sẽ giảm bớt rắc rối cho quan toà khi xét xử những vụ án ly hôn, và đương sự cũng cảm thấy hài lòng hơn.

Khái niệm hợp đồng tiền hôn nhân còn nhập nhằng

Hợp đồng tiền hôn nhân đã được công nhận như một công cụ pháp lý bình thường và phổ biến ở nhiều nước để giảm thiểu tranh chấp giữa các đôi vợ chồng khi tình cảm không còn mặn nồng. Tuy vậy, khái niệm này vẫn còn xa lạ với đại đa số các cặp vợ chồng Việt Nam. Ở Việt Nam, việc ký một hợp đồng tiền hôn nhân có thể xem là một điều nhạy cảm, rất có khả năng sẽ tác động đến tâm lý của cả hai người, và đôi khi ảnh hưởng tới cuộc sống hôn nhân trong tương lai.

Một điều đáng chú ý là Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (LHNGĐ) đã có quy định về chế độ tài sản theo thỏa thuận. Theo đó, hai bên kết hôn có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Đây về bản chất chính là hình thức hợp đồng tiền hôn nhân theo cách quy định ở nhiều nước khác.

Các nội dung mà vợ chồng có thể thỏa thuận bao gồm: (i) tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; (ii) quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; (iii) điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản và (iv) nội dung khác có liên quan.

Vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản, miễn là thực hiện đúng với thủ tục khi lập thỏa thuận ban đầu.

Thỏa thuận về tài sản giữa vợ và chồng có thể vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, ví dụ như thỏa thuận không được công chứng hoặc chứng thực;  (ii) nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình hoặc (iii) vi phạm các quy định về chế độ tài sản chung giữa vợ chồng của LHNGĐ, ví dụ như thỏa thuận quy định nhà ở duy nhất của vợ và chồng thuộc sở hữu của một trong hai người.

Tuy nhiên, ngoài các vấn đề liên quan đến tài sản, pháp luật Việt Nam vẫn chưa công nhận thỏa thuận giữa vợ chồng về các vấn đề khác liên quan đến sinh con, nuôi dạy con, trách nhiệm làm việc nhà, quyết định các vấn đề lớn trong gia đình.

Pháp luật hầu hết các nước đã mở rộng phạm vi của hợp đồng tiền hôn nhân để bao gồm các vấn đề trên. Pháp luật Hoa Kỳ chỉ hạn chế vợ chồng thỏa thuận một số vấn đề liên quan đến con cái như giám hộ hoặc vấn đề thăm con sau khi ly hôn, vốn được dựa trên lý do là những vấn đề đó phải được quyết định vì quyền lợi tốt nhất cho con cái.

Một kịch bản khác cho vụ ly hôn nghìn tỷ

Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trong cuốn sách “Nghĩ lớn để thành công” của mình: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi khuyên bạn hãy có một hợp đồng tiền hôn nhân. Đây không phải là chuyện bạn có tin tưởng vào người bạn đời hay không, mà đơn giản, nó giúp bạn tránh được các rắc rối về sau”. Người quyền lực nhất nước Mỹ có lẽ quá hiểu về tầm quan trọng của hợp đồng tiền hôn nhân sau khi trải qua hai cuộc ly hôn trước đó.

Trở lại vụ ly hôn của vợ chồng người sáng lập/ông chủ tập đoàn ông chủ cà phê Trung Nguyên, các báo đã nhanh chóng đưa hình bà Thảo rời khỏi phiên tòa trong nước mắt và lời trách bản án quá bất công cho mẹ con bà. Nếu bà Thảo kháng cáo thì vụ ly hôn “nghìn tỷ” này còn tiếp tục kéo dài.

Đại đa số chúng ta chắc không có nhiều tài sản như ông Vũ bà Thảo, tỷ phú Bezos hay Tổng thống Trump. Tuy vậy, hình ảnh của ông Vũ và bà Thảo tại phiên tòa có thể là hình ảnh của chúng ta trong tương lai. “Hợp đồng tiền hôn nhân”, vì vậy, là một biện pháp giảm thiểu rủi ro. Phần còn lại phụ thuộc chủ yếu vào việc các cặp vợ chồng có thoát ra khỏi những định kiến cố hữu về tình yêu và hôn nhân để sử dụng công cụ này hay không.


Từ khoá:

hợp đồng tiền hôn nhân: prenuptial agreement, antenuptial agreement, premarital agreement (np)
ly hôn: to divorce (v)
vụ ly hôn: divorce (n)