Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Tự do ngôn luận

Phản hồi ý kiến độc giả: Bài “Mỹ: Dọa bắn tổng thống cũng là tự do ngôn luận”

Published

on

Chân thành cảm ơn bạn đọc vì những bình luận, phân tích trong bài viết “Mỹ: Dọa bắn tổng thống cũng là tự do ngôn luận“. Với quá nhiều chia sẻ và phản biện, tác giả xin được trao đổi thêm về các quan điểm liên quan đến bài viết này như sau.

“Dọa bắn là tự do quá trớn, kích động bạo lực, không phải ngôn luận được pháp luật bảo vệ”

Quan điểm này của nhiều độc giả thật ra hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của Tình báo Quân đội Hoa Kỳ, và người viết không có mục tiêu đấu khẩu tới cùng để chứng minh rằng quan điểm đó là sai lầm.

Trong án lệ Watts v. United States, bị cáo Watts khẳng định: Nếu họ thật sự bắt tôi phải cầm một khẩu súng trường, kẻ đầu tiên tôi muốn nhìn thấy là Lyndon B. Johnson. 

Hay các công tố viên liên bang Hoa Kỳ, tương tự như nhiều bạn đọc, cho rằng Watts đã trực tiếp đưa ra lời đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của một tổng thống liên bang, và là một việc làm không thể chấp nhận được.

“Anh có thể phản đối hay chỉ trích chính sách tòng quân của Hoa Kỳ, việc gì phải dọa đưa tao súng thì cho tao thấy mặt của thằng LBJ” – người viết xin phép diễn đạt lại bình luận của một bạn đọc. Và người viết hoàn toàn hiểu, chấp nhận lập luận này.

Nhưng cái mà chúng ta cần quan tâm không phải là các công tố viên Hoa Kỳ nghĩ ra sao. Họ đã nghĩ như chúng ta.

Thứ cần được quan tâm là lập luận của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, khi họ vẫn cho rằng đó là tự do ngôn luận. 

Viện dẫn môi trường biểu tình chống chính sách quân dịch, bài phát biểu của Watts được so sánh với phép “cường điệu chính trị”, nhằm mục tiêu biểu đạt thái độ của anh ta đối với một chính sách quốc gia. Vì vậy, những gì anh ta nói cần được bảo vệ khỏi sự trừng phạt của chính quyền.

Và khi mà một sự đe dọa tính mạng còn được cân nhắc bối cảnh, mục tiêu và tính thực tế của lời đe dọa một cách vô cùng cẩn trọng để xem xét bảo vệ nó như là tự do ngôn luận, không có lý do gì người Việt Nam phải chấp nhận những chuẩn mực thấp hơn. Đây mới là mục tiêu chính yếu mà bài viết nhắm tới.

“Tác giả bài này tự mâu thuẫn khi biến tổng thống thành người không bình thường, không phải công dân, không chịu sự chi phối của luật pháp (tức là người khác có quyền đe dọa bắn mà không phạm luật).”

Đây thật sự là… chính xác những gì mà tác giả muốn chứng minh và trao đổi với bạn đọc.

Tổng thống (và các nhân viên công quyền Hoa Kỳ) đều được xem là những người không bình thường. 

Họ chịu ngưỡng chỉ trích cao hơn, trách nhiệm chứng minh thiệt hại trong các vụ án phỉ báng cao hơn, và gần như không có khả năng thắng kiện trong những vụ việc liên quan đến danh dự, nhân phẩm liên quan đến cá nhân họ.

Đó là những giá trị mà án lệ New York Times Co. v. Sullivan tạo lập và còn nguyên giá trị đến ngày nay. Với Watts v. United States, sự “không bình thường” của tổng thống còn được nâng lên tầm cao mới: Ngay cả khi người ta dọa giết anh, chúng tôi cũng cần xem xét xem nó mang bản chất gì cái đã.

“Dọa tổng thống thử xem có người tới nhà liền không?”

“Case cụ thể trong bài khác ở chỗ ng nói sử dụng lối nói gián tiếp, ẩn dụ và không phải là lời đe dọa trực tiếp”

Diễn viên hài Kathy Griffin và cái đầu máu me mô phỏng Tống thống Donald Trump. Ảnh: Kathy Griffin | Instagram.

Năm 2017, diễn viên hài Kathy Griffin đăng tải hình ảnh bà đang cầm cái đầu máu me của ông Trump như vừa bị chặt. Một lời đe dọa, dù có ẩn ý hay không, có lẽ không thể nào hình tượng và rõ ràng hơn.

Đây đương nhiên là một hình thức ngôn luận không thể được chấp nhận theo các chuẩn mực đạo đức và luân lý chính trị. Kathy Griffin bị các hãng truyền hình và nhãn hàng tẩy chay gần như ngay lập tức.

Tuy nhiên, cần nhắc lại, bà không gánh chịu bất kỳ hậu quả pháp lý nào. Cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Agency) cũng như Mật vụ Hoa Kỳ (US Secret Agency) chưa từng ghé thăm bà. Nếu chính quyền thật sự muốn bỏ tù Griffin, họ phải lật đổ án lệ sừng sững Watts v. United States cái đã. 

Giá trị của tự do ngôn luận nằm ở đó.

Vậy đe dọa tính mạng thế nào thì bị xử lý?

Dù bảo vệ tự do ngôn luận hết lòng, hệ thống tư pháp Hoa Kỳ hiển nhiên không để ai muốn đe dọa lấy tính mạng ai là đe dọa. Tuy nhiên, như đã nói, mọi định hướng trừng phạt một người vì những gì người đó nói luôn phải phù hợp với Tu chính án thứ Nhất về tự do ngôn luận.

Để giải quyết bài toán này, các tòa án Hoa Kỳ đưa ra hai phép thử là “đe dọa thực tế” (true threat) và “hành vi vô pháp tức thời” (imminent lawless action). 

“Đe dọa thực tế”, tức là tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh mà bất kỳ một cá nhân lý tính nào cũng có thể nhìn thấy và hiểu rằng người nói đang đưa ra một biểu đạt nghiêm túc nhằm gây tổn hại đến cơ thể họ.

Biểu đạt dẫn đến “hành vi vô pháp tức thời”, mặt khác, cân nhắc hoàn cảnh của của lời nói, có mục tiêu kêu gọi và kích động việc thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật ngay lập tức.

Như vậy, việc bạn dọa đánh, dọa bắn một người theo kiểu “để tao cầm súng đi gặp tên Lyndon B. Johnson đi”, dù có ngôn từ bạo lực và theo nghĩa đen thật sự là dọa bắn, không đồng nghĩa với việc nó là một mối đe dọa thực tế có thể dẫn đến một hành vi vô pháp tức thời.

Vì những lý do trên, theo tác giả, tiêu đề của bài viết hoàn toàn trùng khớp với ý tưởng và các tranh cãi trong pháp luật Hoa Kỳ: Dọa bắn, không phải lúc nào cũng có nghĩa là dọa bắn; nó có thể là tự do ngôn luận.