Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Tôn giáo

Người Thượng đã theo đạo Chúa như thế nào?

Published

on

Người đàn ông Jrai cùng con ở làng Kênh Mét, xã Ia Le, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thịnh Nguyễn.

Mùa mưa năm 2016, một người dân tộc Jrai tên Nay Them đi nước ngoài lần đầu tiên trong đời, một chuyến đi sẽ làm thay đổi tất cả hoặc sẽ mất hết tất cả. Chuyến đi của anh không có ngày trở về.

Lớn lên ở tỉnh Gia Lai, từ lúc nhỏ Nay Them đã theo đạo Thiên Chúa. Khi lấy vợ, anh cải sang đạo Tin Lành vì người Jrai theo dòng mẹ. Lòng kính trọng những vị thần đã phôi pha theo chiều dài của thế hệ. Tới thế hệ của Nay Them, anh chỉ có biết các vị thần qua những dịp lễ hội dành cho khách du lịch hơn là cho người bản địa.

Hôm đó, cái ngày mà anh không mong đợi nhất cũng đến. Anh bước ra từ đồn công an, trong đầu vẫn văng vẳng những lời đe dọa của mấy cán bộ an ninh.

Ngay trong đêm hôm ấy, Nay Them đã quyết định rằng không thể chịu cảnh đọa đày như vậy nữa. Như thế đã là quá đủ. Có một cách sẽ đưa anh và gia đình thoát khỏi tình cảnh này mà bất cứ người dân tộc nào theo đạo Tin Lành cũng biết. Trong đêm tối, anh bắt chuyến xe từ Gia Lai xuống thành phố Hồ Chí Minh. Một người đàn ông đã đợi anh sẵn ở bến xe. Người đàn ông đó sẽ đưa anh vượt biên sang Campuchia rồi đến khu vực mà những người Thượng đang tị nạn ở Thái Lan.

Khi chúng tôi gặp nhau năm 2019, Nay Them đã ở Bangkok được ba năm. Chúng tôi ngồi trong một khu nhà trọ là hai dãy nhà hai tầng đâu mặt vào nhau. Anh mặc áo thun màu trắng và một chiếc quần jean bạc màu, ẵm theo đứa con gái hai tuổi đang nghịch chiếc điện thoại đã vỡ màn hình của mình. Chung quanh chúng tôi là những gia đình người Thượng khác, những người cùng làng hoặc khác làng, cùng tỉnh hoặc khác tỉnh nhưng đều đã vượt biên sang Bangkok vì lý do tôn giáo của mình. Cũng như Nay Them, họ sẽ chờ trong một khoảng thời gian không có hạn định để định cư ở nước thứ ba, hoặc bị bắt vào nhà giam, hoặc bị trục xuất về Việt Nam.

Thánh giá dán trên tường trong căn nhà trọ của người Thượng ở Thái Lan. Ảnh: Luật Khoa.

Trong những ngôi nhà trọ nghèo khổ này, bạn luôn có thể tìm được hai thứ, đó là Thánh Giá và Kinh Thánh, bởi vì tất cả họ đều theo đạo Tin Lành. Họ đích thực là những hậu duệ của người Thượng, nhưng tín ngưỡng của họ đã biến đổi hoàn toàn, một phần vì thế mà phải bỏ xứ ra đi.

Nhưng có một thứ sẽ không bao giờ thay đổi, một thứ mà tổ tiên của họ đã gắn bó hàng trăm năm qua, thứ mà những người cộng sản phải mất rất lâu để hiểu, đó là sự quan trọng của đời sống tâm linh đối với người Thượng. Với họ, tín ngưỡng còn quan trọng hơn đời sống vật chất.

Tôn giáo ở Tây Nguyên đã thay đổi như thế nào từ thời tổ tiên của Nay Them cho đến ngày anh vượt biên vì đức tin của mình?

Huyền ảo
miền thượng du

Hãy trở về thời xa xưa khi những sắc dân ở vùng đất chỉ có một tín ngưỡng duy nhất.

Vào một buổi chiều xa xưa ở xứ của người Jrai, có một đứa bé dắt trâu về nhà nhưng con trâu không chịu đi. Cậu bé lấy hòn đá chọi vào con trâu nhưng không ngờ con trâu lăn ra chết vì bị hòn đá xuyên thủng. Thằng bé lượm hòn đá về cho chủ xem và kể lại đầu đuôi câu chuyện. Người chủ đoán hòn đá là một cục sắt nên đem đi rèn thử thì làm được một thanh gươm. Nhưng thanh gươm đó cứ rực đỏ mãi, không gì có thể làm nó nguội. Nhúng vào thùng nước, thùng nước cạn không còn một giọt; quăng xuống dòng sông, dòng sông trơ đáy. Trong lúc ấy, có một người đương vót mây để làm bao gươm thì bị đứt tay, anh thử nhỏ một giọt máu vào thanh gươm thì liền bị hút cả người vào trong chiếc gươm, cũng nhờ vậy mà chiếc gươm nguội đi.

Câu chuyện đồn ra và ai cũng biết là có một vị thần trong gươm. Đến sau, vị thần ấy mới chọn một người giữ gươm và lấy một sợi chỉ buộc vào tay người ấy làm dấu hiệu, người ấy chính là vua Lửa. Còn người giữ bao gươm là ông vua Nước, người Thượng khi ấy tin rằng vua Nước có phép dâng nước làm lụt lớn. [1]

Đó là truyền thuyết giải thích cho sự hiện diện của vua Nước và vua Lửa trên vùng cao nguyên. Họ cai trị Tiểu vương quốc Jrai từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Truyền thuyết này được linh mục Émile Kemlin ghi lại khi truyền giáo ở Tây Nguyên từ năm 1912 – 1924.

Rừng rậm ở Tây Nguyên thuở xa xưa được biết đến như một thành lũy kiên cố, người Kinh dù rất giỏi đi biển nhưng lên rừng để định cư là một thách thức lớn. Đất ở vùng đồi núi trồng trọt khó hơn vùng đồng bằng, lại thêm khí hậu độc địa, bệnh rét rừng vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người Kinh. Người Kinh ưa những vùng đất gần sông, có nước trồng trọt và để uống, ít bệnh rét rừng và thuận tiện hơn cho việc mua bán.

Những vị linh mục có lẽ là những người đầu tiên tìm đường lên vùng cao nguyên khi ấy. Nhưng trước linh mục Émile, liệu có linh mục nào đã tìm hiểu về đời sống còn nhiều bí ẩn của người Thượng?

Chúng tôi tìm thấy được một câu chuyện do linh mục Juguet kể trước lúc ông qua đời và được một giáo sĩ khác chép lại vào năm 1774 về chuyến đi của ông đến vương quốc của người S’tiêng. Theo bản đồ năm 1917 của người Pháp, người S’tiêng sinh sống trong khu vực giáp với Cao Nguyên, gần vùng Đồng Nai ngày xưa. Ngày nay, khu vực này thuộc tỉnh Bình Phước.

Linh mục Juguet trong hành trình truyền giáo ở Cao Miên và xứ Đàng Trong đã qua đời khi mới 30 tuổi.

Ông kể rằng mình đã cùng một người Cao Miên cố gắng tìm đường đến xứ S’tiêng, nhưng những người biết xứ ấy đã từ chối đưa hai người đi. Hai người liều lĩnh đi một mạch trong bốn ngày, nhìn thấy không biết bao nhiêu là dấu chân của các loài thú, nào hổ báo, voi, tê giác, trâu rừng,…

Đến ngày thứ năm, họ cũng đến được một ngôi làng của người Stiêng, tên làng là Saat. Họ ở đó trong bảy ngày và không thể đi xa hơn nữa vì rừng rậm nguy hiểm. Một hôm, linh mục Juguet đã gặp một ông trưởng bản ghé qua làng cùng với đoàn tùy tùng đông đảo. Ông kể:

“Tôi có dịp trò chuyện với những người ấy. Họ mở lời trước về câu chuyện tôn giáo, dùng tiếng Cao Miên để hỏi tôi có biết Ta-jout là ai không. Tôi biết ngay đó là vị thần mà họ tôn thờ mặc dù họ không có các ngẫu tượng và đạo sĩ. Tôi hỏi họ nhiều câu về thần Ta-jout ấy và họ cho tôi biết thần Ta-jout có vóc dáng khổng lồ, một thân cây cổ thụ đối với thần chỉ là một cây tăm xỉa răng. Là một vị thần độc tôn, hằng cửu, sáng tạo ra muôn vật. Khi nghe mô tả như thế tôi thấy hình ảnh thần Ta-jout chẳng khác hình ảnh thượng đế bao nhiêu. Nhưng càng lúc ý niệm của họ về một đấng tối cao bắt đầu đổi khác vì họ bảo là vị thần khổng lồ ấy có rất nhiều vợ và ngày nào cũng phải ăn thật nhiều thức ăn. Tôi không khám phá được gì thêm về tôn giáo của họ, nhưng về những cái khác tôi nhận thấy người Stiêng lễ độ và thân thiện với mọi người. Họ rất ghét những ai lừa dối và thất hứa với họ, ai mà đối xử như thế sẽ bị bắt làm nô lệ ngay.” [2]

Nhưng những sắc dân sơn cước này vì sao không sống ở vùng đồng bằng, ven biển mà phải vào tận rừng sâu như vậy?

Các nghiên cứu được Lê Đình Chi tổng hợp đã đưa ra một lập luận là người Thượng cũng từng là những sắc dân giống như người Chàm nhưng họ không muốn bị Ấn hóa. Để trung thành với những tập quán cổ truyền của mình, họ đã tách ra để sinh sống trên các cao nguyên hiểm trở. Nhóm này bao gồm các sắc tộc như Ê-đê, Jrai, Raglai, Churu,… Ngoài ra, còn có những nhóm bản địa khác về phía Nam vì không muốn bị nước Chân Lạp cai trị cũng đã ẩn sâu vào vùng núi non như Ba-na, S’tiêng, Che Mạ, M’nông,… [3]

Chân dung của một số sắc tộc, từ trái qua là người phụ nữ An Nam, người phụ nữ Cambodia và hai người Stiêng. Ảnh gốc: Hippolyte Arnoux và Emile Gsell, xuất bản năm 1880.

Tín ngưỡng
trên xứ Thượng

Năm 1933, người em trai 18 tuổi tên Nguyễn Đổng Chi đã theo anh của mình là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi lên vùng xứ Kon Tum heo hút. Chàng thanh niên Đổng Chi đã có một cuộc phiêu lưu không thể nào quên trong đời mình khi cùng người anh viết một cuốn sách về người Ba-na. Đổng Chi đã đi vào từng ngôi làng, kết bạn với những chàng trai, cô gái người Ba-na để điều tra một cách chân thực về cuộc sống của bộ tộc này.

Hai tác giả tin rằng tín ngưỡng là thứ rất hệ trọng trong đời sống của người Thượng, mặc dù mới nghe sơ qua một người có thể cho rằng đó là điều mê tín, “một lời nói [của người Thượng] – nếu có công dò xét – không nhiều thì ít, đều có mê tín làm nguyên động lực”. [4]

Hai ông cho rằng công cuộc truyền đạo Công giáo sẽ gặp nhiều khó khăn vì tín ngưỡng ở nơi đây không dễ dàng chấp nhận đạo này. Cốt yếu ở tín ngưỡng của người Ba-na hay người Thượng nói chung đều tin rằng họ cần sự trợ giúp của thần linh để đạt được một cuộc sống sung túc. Sự sung túc đó không chỉ cho hiện tại mà còn sau khi qua đời. Để liên hệ với thần linh, họ đã bày ra nhiều cách như cầu khấn, nguyện hứa, báo mộng,… từ đó tạo nên một hệ thống tín ngưỡng truyền từ đời này sang đời khác.

Hai tác giả cũng nhắc độc giả rằng những tập tục là hai ông sưu tầm được là những tục lệ xa xưa. Khi hai ông đặt chân lên Kon Tum thì nơi đó có ba linh mục, năm nữ tu và khoảng 10.000 người Ba-na theo đạo Công giáo. Tục lệ cổ truyền của người Thượng đã ít nhiều thay đổi khi ấy, nhưng ở một nơi xa xôi như vậy, những tín đồ Ba-na đầu tiên cải sang đạo Công giáo như thế nào?

Nhà thờ đầu tiên

Năm 1840, tuy bị triều đình cấm đạo nặng nề, các giáo sĩ lại được giáo dân ủng hộ nên công việc truyền giáo đã tương đối phát triển ở miền xuôi. Ở vùng cao nguyên thì vẫn chưa có một giáo sĩ nào.

Linh mục Etienne Cúenot đã nhiều lần cho các giáo sĩ tìm đường lên Tây Nguyên nhưng vóc dáng khác dân thường đã khiến mọi hành tung bị bại lộ.

Sau nhiều năm đắn đo suy tính, linh mục Cúenot nghĩ ra rằng hẳn phải để một người An Nam cải trang thành nhiều hình dạng khác nhau thì việc làm mới đến nơi đến chốn. Cuối cùng, ông gửi hết niềm tin vào một người An Nam, vừa tốt nghiệp trường Đại chủng viện Penang, Mã Lai. Người An Nam đó tên là Do hay còn gọi là thầy sáu Do. Nhận nhiệm vụ, thầy sáu Do đã cải trang thành nhiều hình dạng khác nhau, khi thì giả đầy tớ, khi thì thành lái buôn giàu sang, nhưng cuộc phiêu lưu nào cũng có mất mát. Có lần, ông bỏ lại hết tài sản để chạy thoát thân vì một nhóm người Thượng tưởng ông giàu có thật nên muốn giết người rồi cướp của.

Nỗ lực rồi cũng được đền đáp xứng đáng. Vào năm 1850, thầy sáu Do đã tìm được một nơi để dựng được một thánh đường tạm bợ ở xứ sở của người Ba-na (thuộc địa phận tỉnh Kontum sau này), và bắt đầu công việc truyền giáo cho người Thượng. Hai năm sau, linh mục Combes đã soạn một tập giáo lý, kinh bổn bằng tiếng Ba-na, rồi được linh mục Dourisboure dịch tất cả sang tiếng Xơ-đăng.

Vậy là sau hơn 300 năm truyền giáo vào Việt Nam, cuối cùng các vị linh mục đã tìm được cách truyền đạo cho người Thượng.

Từ năm 1886, sau khi buộc người Xiêm công nhận miền thượng du này là đất của Đông Pháp, chính quyền bảo hộ mới bắt đầu tổ chức nền hành chính cho khu vực này. Sau nhiều lần chia cắt địa giới, đến năm 1932, miền thượng du đã bao gồm các tỉnh Kontum, Darlac và Pleiku. [5]

Từ năm 1923, sau bao nhiêu cuộc chinh chiến đổ máu với các bộ lạc, người Pháp đã ngộ ra rằng họ không tài nào thu phục được những sắc tộc này. Thay vì đàn áp như đối với người An Nam, người Pháp để các sắc tộc sống cuộc đời vốn có của họ. Chính quyền bảo hộ đã tách xứ sở này với phần còn lại của đất nước, hạn chế hoàn toàn việc di dân lên khu vực này. Các cuộc mua bán đất đai phải được thực hiện một cách chặt chẽ dựa trên phong tục của người bản địa.

Có lẽ vì chính sách như vậy nên công tác truyền giáo nơi đây diễn ra khá chậm chạp. Hơn 80 năm từ khi các giáo sĩ đầu tiên đặt chân lên miền thượng du thì giáo phận Kontum (bao gồm ba tỉnh Kontum, Darlac và Pleiku) mới được thành lập vào năm 1932. Giáo phận Kontum khi đó có 14 giáo sĩ ngoại quốc, 12 linh mục người Việt, ba linh mục người Ba-na, và 160 thầy giảng. Năm 1936, giáo phận Kontum có 17.683 giáo dân thuộc các sắc tộc. Năm 1934, họ đạo Buôn Mê Thuột của tỉnh Darlac mới được thành lập với vỏn vẹn 50 giáo dân.

Công giáo được phép truyền bá trên Tây Nguyên thì đạo Tin Lành cũng vậy. Từ năm 1929, vợ chồng mục sư người Canada A. H. Jackson lên cao nguyên truyền giáo. Tuy nhiên, công việc truyền giáo bắt đầu được tổ chức bài bản từ năm những năm 1940 dưới hoạt động của Hội Truyền giáo CMA và Hội thánh Tin lành Việt Nam. Năm 1954, số người thuộc các sắc tộc theo đạo Tin Lành là khoảng 6.000 người. [6]

Đến thời Việt Nam Cộng hòa, chính sách của người Pháp đối với vùng cao nguyên bị hủy bỏ. Một rắc rối lớn đã bắt đầu từ quyết định này.

Rắc rối
trên cao nguyên

Năm 1954, những biến cố lớn trên đất nước Việt Nam đã đổi thay khu vực cao nguyên. Những gì người Pháp cố gắng tránh xa thì chế độ Ngô Đình Diệm lại lún vào.

Chính phủ Ngô Đình Diệm đã bãi bỏ chế độ Hoàng Triều Cương Thổ, đồng nghĩa cho phép di dân và xoá bỏ những đặc quyền trước kia chỉ dành cho người Thượng.

Vào lúc này, một số lượng lớn người di dân từ Bắc Kỳ đã đến định cư ở vùng cao nguyên, khiến đất đai của người Thượng bị thu hẹp. Chính sách di dân và đất đai này đã đụng chạm với những tập tục canh tác, sinh hoạt cổ truyền của người bản địa. Người Thượng thấy họ bị mất mát hơn là hưởng lợi khi trở thành công dân của một quốc gia.

Mặc dù chính phủ Ngô Đình Diệm cam kết không đụng chạm đến tín ngưỡng truyền thống, nhưng thật ra trong mắt các quan chức thì mọi phong tục của người Thượng đều bị cho là lạc hậu, thấp kém.

Trước tình cảnh mất quyền tự chủ như vậy, khí chất độc lập của người Thượng đã trỗi dậy. Một số không muốn dính líu tới chính trị thì rút vào vùng sâu hơn để sinh sống, một số người khác quyết định phản đối chính quyền bằng việc tham gia vào các lực lượng từ BAJARAKA đến FULRO.

Từ năm 1955 đến chế độ Đệ Nhị Cộng hòa, khu vực cao nguyên trở thành một nơi bất ổn chính trị do người Thượng nổi dậy để đòi quyền tự trị, quyền đất đai, quyền thực hành tín ngưỡng và phong tục của người bản địa.

Từ năm 1954 đến năm 1962, có hơn 100.000 người Kinh đã tái định cư tại khu vực cao nguyên.

Do số lượng lớn giáo dân di cư lên khu vực cao nguyên nên một số dòng tu của Công giáo cũng đã nối chân nhau lên vùng đất này. Ít nhất tám dòng tu mới, ba trung tâm truyền giáo được thành lập trên cao nguyên từ sau năm 1954. Hai giáo phận được thành lập là Giáo phận Đà Lạt (1960) và Giáo phận Buôn Mê Thuột (1967).

Dưới hai thời Việt Nam Cộng hòa, số dân người Thượng thời Việt Nam Cộng hòa dao động từ 700.000 đến khoảng một triệu người. Nhiều sắc tộc vẫn trung thành với tín ngưỡng cổ truyền của mình nên công việc truyền giáo vẫn chưa được thuận lợi lắm.

Từ năm 1969, đạo Tin Lành đã có tám trung tâm truyền giáo trên vùng cao nguyên cùng với hai trường Kinh Thánh tại Buôn Mê Thuột và Đà Lạt dành riêng cho người Thượng. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, vào năm 1975, số tín đồ Tin Lành vẫn khá khiêm tốn ở Tây Nguyên với 57.768 tín đồ, không rõ bao nhiêu trong số tín đồ này là người Thượng.

Chế độ Đệ Nhị Cộng hòa miền Nam đã bắt đầu ổn định được khu vực cao nguyên qua chính sách khôi phục quyền lợi về đất đai, văn hóa, và tín ngưỡng cho các sắc tộc, nhưng khi chưa thấy được thành quả của những chính sách này thì họ đã mất miền Nam.

“Cách mạng tôn giáo”
sau 1975

Kpă Hùng là một người đàn ông Ba-na không liên quan gì đến Nay Them, ngoài trừ họ cùng là người Thượng, cùng theo đạo Tin Lành, cùng bị công an Việt Nam trấn áp và đã vượt biên đến Thái Lan. Họ còn rất khác nhau về tư tưởng.

Nếu Nay Them là tìm cách ổn định cuộc sống của gia đình mình thì Kpă Hùng luôn đau đáu với sự độc lập của Tây Nguyên. Kpă Hùng ý thức rất rõ về vai trò của mình đối với sự độc lập của Tây Nguyên còn Nay Them chỉ muốn được tự do cầu nguyện trước Chúa.

Trong Kpă Hùng luôn chứa một nỗi ám ảnh về sự độc lập của Tây Nguyên. Đối với anh, Tây Nguyên sau thời Pháp bảo hộ chưa bao giờ được độc lập.

“Chiến tranh hay thời bình, chúng tôi luôn luôn tiếp đón khách tử tế. Mà cuối cùng người khách lại muốn xoá sổ chúng tôi”, Kpă Hùng nói về thời kỳ sau năm 1975 khi những người cộng sản chiếm miền Nam.

Ảnh chụp Kpă Hùng lúc còn ở Campuchia. Ảnh: Cambodia Daily.

Nay Them và Kpă Hùng đều sinh sau năm 1975, thời kỳ người bản địa một lần nữa mất hoàn toàn quyền tự chủ của mình từ đất đai với những cuộc di dân có tổ chức và tự do, tín ngưỡng bản địa với cuộc cách mạng bài trừ mê tín dị đoan và phong tục bản địa với chính sách tái định cư của những người cộng sản.

Nay Them theo đạo Công giáo và có bố là giáo viên, còn Kpă Hùng theo đạo Tin Lành và có bố là lính Việt Nam Cộng hòa. Điều này có lẽ đã tạo ra sự khác biệt tư tưởng giữa hai người.

Vào cuối những năm 1980, những cuộc cách mạng lại tiếp tục diễn ra chung quanh hai thiếu niên Nay Them và Kpă Hùng.

Khi đó, một số người Thượng đã chuyển từ cách mạng vũ trang sang “cách mạng tôn giáo” bằng việc tích cực truyền bá đạo Tin Lành. Bất cứ nơi nào từ nhà ở, cánh đồng đến tận sâu trong rừng sâu đều có thể trở thành một nơi thờ phụng Chúa. Số tín đồ Tin Lành gia tăng đột biến làm chính quyền choáng váng.

Chú ý: Số liệu năm 1975 và 1999 không bao gồm tỉnh Bình Phước. Số liệu năm 2011 và 2018 bao gồm số tín đồ thuộc các tộc người di cư từ miền Bắc nhưng không đáng kể. Số liệu này có thể chưa bao quát được tất cả các tín đồ Tin Lành tại gia.

Cho rằng lực lượng quần chúng bị FULRO thu hút, chính quyền chuyển từ cuộc cách mạng bài trừ mê tín dị đoan và tiêu diệt quân đội FULRO sang trấn áp các tín đồ theo đạo Tin Lành.

Chính quyền đã dùng đủ cách để trấn áp, từ việc giám sát, phạt lao động đối với những người theo đạo cho đến việc bắt ép dựng bàn thờ tổ tiên thay cho thờ thánh giá, uống máu dê để thề không theo đạo, tra tấn và đốt phá các nhà thờ không được cấp phép xây dựng.

Có những người Thượng theo đạo Tin Lành chỉ đơn thuần là nhu cầu tâm linh của họ vì tín ngưỡng cổ truyền đã chết trong cuộc cách mạng bài trừ mê tín dị đoan của cộng sản.

Những đối với một số người Thượng khác thì đạo Tin Lành mang lại một quyền tự chủ về tổ chức và ý thức hệ, cho phép họ giữ gìn một bản sắc Thượng riêng biệt trong bối cảnh bị chính quyền đồng hóa mạnh mẽ, theo nhận xét của nhà nhân chủng học Oscar Salemink.

Sự phản kháng này có lẽ cũng giống như sự ra đời của Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài, như một sự tự tôn cuối cùng cho sự thất bại về quyền tự chủ của mình trước thực dân Pháp.

Trước cuộc biểu tình lớn vào năm 2001, Human Rights Watch cho biết có những cuộc thảo luận chính trị sau những buổi lễ cầu nguyện ở ngoài cánh đồng xa xóm làng hoặc sâu tận trong những khu rừng. Chính quyền Việt Nam tin rằng các tín đồ Tin Lành bị một tôn giáo có tên “Tin Lành Đề Ga” dụ dỗ nhằm chống lại chính quyền.

Năm 2001, nhà nước công nhận Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), đạo Tin Lành bắt đầu được sinh hoạt hợp pháp ở miền Nam. Người Thượng vẫn tiếp tục sinh hoạt ở các nhà thờ tại gia bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền.

Từ năm 2008 cho đến lúc vượt biên, Nay Them không nhớ nổi bao nhiêu lần anh bị công an thẩm vấn hay tạm giam về những cuộc đi lễ của anh tại các nhà thờ tại gia, về người anh rể đã tổ chức biểu tình tại xã, hay người bố vợ mà anh đã giúp vượt biên. Nay Them từng đến các nhà thờ do nhà nước cấp phép cầu nguyện nhưng anh không được chào đón.

Kpă Hùng với nỗi ám ảnh về sự độc lập ở Tây Nguyên góp mặt trong 1.629 người Thượng tham gia FULRO bị chính quyền trừng phạt từ năm 2001 đến năm 2004. Anh vượt biên sau lần ngồi tù thứ ba kéo dài 12 năm.

Vào tháng 3/2020, ba người Ba-na bị bắt giữ sau tám năm trốn trong rừng. Vào lúc bắt giữ ba người này, chính quyền loan tin như vừa lập được một chiến công. Công an nói họ là những đối tượng cốt cán theo đạo Hà Mòn, nói họ có tài liệu tuyên truyền chống chính quyền nên mới sống chui rúc như vậy. Ba tháng sau, cả ba người được thả về nhà bởi vì họ không làm gì phạm pháp cả. Tất cả mọi chuyện là do họ hoảng sợ trước sự trấn áp tôn giáo của chính quyền nên trốn vào rừng trong suốt chừng ấy năm.

Và cho đến tận ngày nay, những người Thượng vẫn ra khỏi nhà từ lúc hai giờ sáng rồi chui rúc ở một xó nào đó, đợi đến giờ cầu nguyện trong những ngôi nhà khép kín cửa hoặc tận sâu trong rừng. Những người đang chịu cảnh nghèo khổ đó sẵn sàng chịu thêm cảnh đánh đập, tra hỏi để được hưởng cái quyền được tự do cầu nguyện.


Trích dẫn:
[1] Nguyễn Đình Chi – Nguyễn Kinh Chi, Người Ba-na ở Kon Tum, NXB Trẻ, trang 96.
[2] Thư của các giáo sĩ thừa sai, Nguyễn Minh Hoàng dịch, NXB Văn học, trang 211.
[3] Lê Đình Chi, Vấn đề Đồng bào Sơn Cước tại Việt Nam Cộng hòa (Luận án Tiến sĩ Luật Khoa), Viện Đại học Sài Gòn, năm 1971.
[4] Nguyễn Kinh Chi – Nguyễn Đổng Chi, Người Ba-na ở Kon Tum, NXB Trẻ, trang 125.
[5] Người Ba-na ở Kon Tum, trang 89.
[6] Nguyễn Thanh Xuân, Một số tôn giáo ở Việt Nam, NXB Tôn giáo.