Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Tôn giáo

Tôn giáo tháng Tám: Bốn cách thức trấn áp các tổ chức tôn giáo hay gặp nhất

Published

on

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam trong một buổi lễ năm 2019 (ảnh: Reuters). Hai ảnh bên là cuộc biểu tình phản đối ông vào năm 2017. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô.

Tìm hiểu bốn cáo buộc phổ biến của các tổ chức tôn giáo đối với chính quyền trong mục [Bàn tay chính quyền]. Mục [Tôn giáo 360 độ] tiếp tục các tin tức về các giáo xứ lên tiếng về những ngôi trường của họ đã bị chính quyền mượn rồi chiếm quyền sở hữu cùng với các tin tức khác. [Ngày này năm xưa] sẽ nói về phong trào Khmer Krom từ vụ việc cựu trụ trì chùa Khmer ở Trà Vinh bị bắt giữ vào năm 2010.

Luật Khoa hoan nghênh quý độc giả gửi thông tin và viết báo cáo cùng chúng tôi qua địa chỉ email: tongiao@luatkhoa.org.


Bàn tay của chính quyền

Bốn cáo buộc từ các tổ chức tôn giáo

Những năm qua, các tổ chức tôn giáo thường cáo buộc chính quyền sử dụng những cách không chính thức để “xử lý” họ. Dưới đây là bốn cáo buộc phổ biến của các tổ chức tôn giáo đối với chính quyền.

1. Tổ chức quần chúng biểu tình, đấu tố

Vụ việc tranh chấp đất đai ở Đan viện Thiên An tiếp tục căng thẳng trong tháng 8/2020.

Trong hai ngày 10 và 11/8/2020, một đám đông khoảng 40 người đã tổ chức biểu tình nhằm phản đối đan viện Thiên An chiếm đất của họ. Những người này đã dùng biểu ngữ lớn, loa phóng thanh để đe dọa, chửi bới các đan sĩ ngay trên khu vực đất đang tranh chấp giữa đan viện và chính quyền.

Theo đan viện Thiên An, những người tổ chức đám đông này là cán bộ của Uỷ ban Nhân dân (UBND) xã Thủy Bằng cùng với một số nhân viên an ninh, cán bộ của các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ.

Đám đông biểu tình phản đối đan viện Thiên An vào chiều ngày 11/8/2020. Ảnh: Tin Mừng Cho Người Nghèo.

Vào tháng 5/2017, một lực lượng quần chúng gồm khoảng từ 1.000 – 3.000 người đã tổ chức biểu tình trong suốt hơn một tuần để phản đối linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Giáo xứ Phú Yên thuộc giáo phận Vinh. Họ phản đối những phát ngôn của linh mục Nam về chính quyền, cũng như việc ông đã hướng dẫn giáo dân kiện Công ty Formosa sau một năm kể từ khi công ty này làm ô nhiễm biển miền Trung năm 2016.

Báo Nghệ An cho biết chính quyền xã An Hòa (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã tổ chức cuộc họp cho 285 cựu chiến binh để lên án linh mục Đặng Hữu Nam vào ngày 7/5/2017. Trong cuộc họp này, các cựu chiến bình đã cho rằng “lời nói và việc làm của Đặng Hữu Nam là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật, thể hiện bản chất phản động, chống đối, chà đạp, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta”.

Theo VOA, các linh mục và giáo dân tại hai hạt của Giáo phận Vinh đã ra tuyên bố cho rằng cuộc biểu tình, hội họp này là hình thức đấu tố linh mục Đặng Hữu Nam trước công chúng.

Tiếp đến vào ngày 30/11/2018, chính quyền xã Khánh Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã tổ chức cuộc họp “lên án” linh mục Đặng Hữu Nam với sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ.

Những hình ảnh về cuộc biểu tình phản đối linh mục Đặng Hữu Nam trong tháng 5/2017. Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô.

Tại Việt Nam, điều kiện tối thiểu để những cuộc biểu tình này diễn ra là phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương. Các nhà hoạt động tôn giáo cho rằng những cuộc biểu tình này được tổ chức để hạ uy tín của các tổ chức tôn giáo mà chính quyền không hài lòng về hoạt động của họ.

2. Sử dụng báo chí và truyền hình nhà nước

Cuộc biểu tình của người dân phản đối các đan sĩ Đan viện Thiên An vào tháng 8/2020 được truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa tin rất chi tiết.

Sau cuộc biểu tình này, báo Thừa Thiên – Huế cho đăng hai bài viết vào ngày 18/8/2020 và ngày 26/8/2020 cáo buộc các đan sĩ lấn chiếm đất đai và vu khống cho chính quyền đã đàn áp đan viện.

Đài Phát thanh – Truyền hình Huế cho phát phóng sự về cuộc biểu tình của người dân. Trước đây, báo chí nhà nước đã từng chỉ trích các đan sĩ Đan viện Thiên An là “hung hăng và thiếu sự hợp tác với chính quyền”.

Các đan sĩ đan viện Thiên An cho rằng các bài báo, các chương trình truyền hình đưa tin về vụ việc tranh chấp ở đan viện là không công bằng, có mục đích là để “bôi nhọ, hạ uy tín” của đan viện.

Cuộc biểu tình phản đối linh mục Đặng Hữu Nam cũng được hàng loạt báo nhà nước đưa tin rất chi tiết. Đặc biệt, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát trực tiếp một phóng sự vào tối ngày 24/3/2017 về các linh mục ở giáo xứ Phú Yên. Phóng sự của VTV cáo buộc các linh mục thuộc giáo xứ này kích động giáo dân làm mất an ninh trật tự khi đưa người dân đi nộp đơn khởi kiện Công ty Formosa.

Chính quyền Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ các tổ chức báo chí. Hiện nay, không có đài truyền hình và phát thanh tư nhân nào được chính quyền cấp phép hoạt động.

Các tổ chức tôn giáo hiện nay thường phải tự thành lập các kênh truyền thông hay sử dụng mạng xã hội để lên tiếng cho chính bản thân mình. Hiện nay, có hai trang tin Công giáo hoạt động tích cực là Tin Mừng Cho Người Nghèo và VietCatholic, nhưng cả hai đều đã bị chặn truy cập từ Việt Nam. Nhiều cơ quan báo chí độc lập khác cũng bị chặn truy cập từ Việt Nam như VOA, RFA, BBC, RFI, và cả Luật Khoa tạp chí.

3. Sử dụng lực lượng du côn

Theo đan viện Thiên An, trong hơn 20 năm tranh chấp đất đai của họ với chính quyền, luôn có sự tham gia của những người không rõ lai lịch và hành xử hung hăng từ phía bên kia. Những người này đã ra tay hành hung nhiều đan sĩ.

Nhiều sự việc mang tính đe dọa đan viện đã xảy ra trong thời gian gần đây, chẳng hạn như sân bóng bị rải mảnh thuỷ tinh, nhiều cây thông bị cưa, tượng Chúa bị trộm và bị đập vỡ, đan sĩ bị theo dõi và bị đe dọa. Những vụ việc này không hề được chính quyền địa phương điều tra.

Một vụ tấn công các đan sĩ vào tháng 7/2017 nhưng không được chính quyền điều tra. Ảnh: Tin Mừng Cho Người Nghèo.

Năm 2017, theo VOA, Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã cho rằng chính quyền đã cho người lạ mặt hòa vào đoàn người của giáo xứ Phú Yên trên đường đi nộp đơn kiện Công ty Formosa vào ngày 14/2/2017. Những người này ném đá về phía cảnh sát cơ động, kích động bạo lực, do đó cảnh sát có cơ sở để trấn áp, làm khoảng 50 giáo dân bị thương.

Những người này được cho là lực lượng du côn không thuộc về đoàn tuần hành. Họ ném đá về phía cảnh sát cơ động để cố tình tạo nên một cuộc bạo động. Ảnh: VTV.

Tháng 10/2019, sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập bị một nhóm người chặn đường đánh rất nặng khi họ đang trên đường đến An Hòa Tự để ngăn cản việc thay ngói ngôi chùa này. Vụ việc này cũng không được công an điều tra.

Cáo buộc của các tổ chức tôn giáo về việc chính quyền sử dụng lực lượng du côn để kích động bạo lực, đe dọa các nhà hoạt động, các tổ chức tôn giáo xảy ra rất thường xuyên ở Việt Nam.

4. Sử dụng các quy định hành chính

Tháng 6/2017, đan viện Thiên An cho biết Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lập một chốt chặn giao thông để ngăn người dân và các đan sĩ ra vào đan viện, và thu giữ một xe máy của đan viện. Trong lúc đó, phía trong đan viện đang xảy ra một cuộc ẩu đả lớn khiến nhiều đan sĩ bị thương. Họ đã không thể đến bệnh viện vì chốt chặn giao thông này.

Những hành vi sách nhiễu này tưởng chừng nhỏ nhặt này đôi khi lại là cái bẫy lớn mà chính quyền đặt ra cho các tổ chức và những nhà hoạt động tôn giáo.

Vào tháng 2/2018, sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã bị kết tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng, với mức án từ hai năm tù treo đến sáu năm tù giam. Nguyên nhân là vì họ đã phản ứng lại khi cảnh sát giao thông kiểm tra và giam giữ xe máy của những người người này khi họ đến dự một đám giỗ.

Ở Tây Nguyên, những người Thượng theo đạo Tin Lành cũng cáo buộc chính quyền đã từ chối cấp các giấy tờ nhân thân như một hình thức trừng phạt các tín đồ độc lập này. Việc có được những giấy tờ thiết yếu như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy đăng ký kết hôn hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những người này là rất khó khăn. Do không có những giấy tùy thân nên việc đi lại của họ ra khỏi huyện hay nước ngoài là rất khó khăn.

Tôn giáo 360 độ

Giáo xứ Thị Nghè kêu cứu khi chính quyền tự ý chuyển đổi quyền sử dụng ngôi trường của giáo xứ

Tháng 8/2020, Giáo xứ Thị Nghè tại thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi công chúng ủng hộ quyết định đòi lại ngôi trường của mình. Ngôi trường đã bị chính quyền mượn làm trường học, sau đó chuyển đổi luôn quyền sử dụng.

Trước năm 1975, họ đạo Thị Nghè đã góp tiền xây dựng trường Tư thục Phước An cho khoảng bốn nghìn học sinh theo học hàng năm. Sau năm 1975, dưới chính sách bài trừ giáo dục tư thục, giáo xứ phải đồng ý cho nhà nước mượn hai dãy nhà ba lầu và một ngôi nhà một lầu khác làm trường học.

Ngôi trường Tư thục Phước An – Thị Nghè trước năm 1975. Ảnh: Ogden Williams Collection.

Năm 2019, khi giáo xứ Thị Nghè đo đạc để làm hầm gửi xe cho giáo dân thì bất ngờ biết ngôi trường mà họ cho mượn đã được cấp quyền sử dụng cho trường Tiểu học Phù Đổng từ năm 2013. Tức là, họ đã mất ngôi trường từ sáu năm trước mà không hề được thông báo.

Sau hơn một năm khiếu nại, tháng 7/2020, chính quyền quận Bình Thạnh trả lời giáo xứ Thị Nghè rằng: hai cơ sở “trường Tiểu học Phù Đổng bao gồm cả tường rào là tài sản của nhà nước thuộc quyền quản lý của trường Phù Đổng”.

Việt Nam không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất. Đất đai thuộc về sở hữu toàn dân do nhà nước độc quyền quản lý và người dân chỉ được cấp quyền sử dụng.

Các chính sách đất đai từ những năm 2000 đã cho phép chính quyền địa phương chiếm quyền sử dụng nhà, đất của các cơ sở tôn giáo mà họ đã mượn từ sau năm 1975.

Xem thêm: 10 trường công giáo chính quyền mượn, lấy nhưng không chịu trả

Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp đòi lại ngôi trường họ đã cho chính quyền mượn

Cổng trường Giuse của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp ngày nào đã thành cổng Trung tâm Y tế tỉnh Đồng Nai trong 44 năm qua.

Các nữ tu cho biết, trước năm 1975, mỗi năm có 1.000 học sinh đến học tại ngôi trường này ở cấp tiểu học và cấp trung học. Năm 1976, hội dòng đã cho chính quyền mượn ngôi trường trong 5 năm làm nơi dạy cán bộ.

5 năm trôi qua, chính quyền chẳng những không chịu trả trường mà còn mượn thêm hai dãy nhà và một thửa đất 6.482 mét vuông. Chính quyền giao các cơ sở này cho Bệnh viện Đa Khoa Biên Hòa và cấp quyền sử dụng đất cho bệnh viện này từ năm 2004.

Trường Thánh Giuse hiện tại của Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp. Ảnh: Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp.

Gần đây, Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp cần cơ sở sinh hoạt cho các nữ tu mới gia nhập dòng và chỗ dưỡng lão cho các nữ tu lớn tuổi nên muốn nhận lại ngôi trường đã cho mượn. Nhưng cũng giống như trường hợp giáo xứ Thị Nghè, việc đòi lại ngôi trường là rất khó khăn.

Tỉnh Đắk Nông thông báo cần phải “xử lý” nhiều tôn giáo mới trong địa bàn tỉnh

Tháng 8/2020, báo Đắk Nông, cơ quan tuyên truyền của Đảng uỷ tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh này đang có nhiều tôn giáo mới hoạt động bất hợp pháp.

Các tôn giáo mới được gọi là “đạo lạ, tà đạo”. Theo báo Đắk Nông, có khoảng 10 hội, nhóm “đạo lạ, tà đạo” đang xâm nhập vào tỉnh. Những hội, nhóm có nhiều tín đồ nhất là đạo Giê sùa (232 người); Pháp Luân Công (96 người); Hoàng Thiên Long (71 người); Hội thánh của Đức chúa Trời mẹ (53 người); Tiên thiên Đại đạo (24 người).

Báo Đắk Nông cho biết chính quyền sẽ kiên quyết xóa bỏ những “đạo lạ, tà đạo” này ra khỏi địa bàn tỉnh, khuyến khích quần chúng tố giác những ai theo và phổ biến các tôn giáo chưa được công nhận này.

Báo chí nhà nước cho rằng đạo Giê Sùa do một người Mông tại Mỹ sáng lập dựa trên những biến đổi nghi thức của đạo Tin Lành, như chuyển ngày sinh hoạt tôn giáo từ Chủ nhật sang thứ Bảy, không thừa nhận tên chúa Giê-su, không tổ chức lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh…

Theo báo Nghệ An, đạo Hoàng Thiên Long là một hình thức tâm linh thờ cúng Hồ Chí Minh và các liệt sĩ để chữa bệnh.

Báo Khánh Hòa cho rằng Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ là đạo dựa trên nền tảng giáo lý của đạo Tin Lành, được du nhập từ Hàn Quốc vào Việt Nam từ những năm 2000.

Tiên thiên Đại đạo chưa được báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin chi tiết. Các thông tin trên Internet cho thấy giáo lý của đạo này dựa trên nền tảng của đạo Lão.

Một người bị phạt vì phổ biến Pháp Luân Công

Báo chí nhà nước cho biết có ít nhất một người đã bị phạt vì phổ biến Pháp Luân Công trong tháng 8/2020.

Theo báo Công an Nhân dân, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt bà Lê Thị Thoa, 61 tuổi, khi bà đang “tuyên truyền Pháp Luân Công trái phép” trong một ngõ ở thành phố Hải Dương. Bà bị phạt hành chính 300.000 đồng.

Bà Lê Thị Thoa bị cơ quan điều tra bắt giữ và phạt hành chính. Ảnh: Công an Nhân dân.

Mặc dù nhà nước chưa có tuyên bố chính thức về Pháp Luân Công nhưng các chính quyền cấp địa phương đều đã xem bộ môn này là tà đạo và cấm người dân phổ biến.

Một số tù nhân tôn giáo không được nhận thuốc men và đồ dùng vì dịch COVID-19

Chánh Trị sự Cao Đài Hứa Phi, thuộc Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, nói với đài RFA rằng chính quyền đã không cho tù nhân tôn giáo nhận thức ăn, thuốc men và đồ dùng vì dịch COVID-19.

Theo vị này, chính quyền Việt Nam không những ngăn các tù nhân tôn giáo gặp người thân trong thời dịch bệnh, mà còn không cho họ nhận đồ ăn, thuốc men với lý do là chưa được kiểm dịch.

Từ cuối tháng 7/2020, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam. Nhiều trại giam, trại tạm giam đã tạm dừng cho tù nhân gặp thân nhân, nhưng vẫn có thể gửi thuốc men và đồ dùng. Chỉ riêng những thành phố trong tâm dịch như Đà Nẵng mới ngưng việc gửi đồ dùng cho các tù nhân.

Các quy định hiện tại cho phép những nơi giam giữ tự quyết định các chính sách về việc thăm gặp, gửi đồ dùng cho các phạm nhân. Có khả năng xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với các tù nhân tôn giáo và tù nhân lương tâm với lý do chống dịch.

Chính quyền công nhận giáo xứ Lai Châu là tổ chức tôn giáo sau hơn 13 năm xin cấp phép

Ngày 21/8/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã chấp thuận cho giáo phận Hưng Hóa thành lập giáo xứ Lai Châu với tư cách pháp nhân là tổ chức tôn giáo.

Theo Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, Tòa giám mục giáo phận Hưng Hóa đã đề nghị chính quyền công nhận tư cách pháp nhân là tổ chức tôn giáo cho giáo xứ Lai Châu từ năm 2007 nhưng đến nay mới được chấp thuận.

Một buổi lễ tại nhà thờ của giáo xứ Lai Châu, giáo phận Hưng Hóa. Ảnh: Giáo phận Hưng Hóa.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 quy định rằng các tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo từ 05 năm trở lên cùng với một số điều kiện khác thì được công nhận tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền hoàn toàn có thể trì hoãn việc công nhận này.

Giáo phận Hưng Hóa quản lý một phần khu vực phía Bắc Việt Nam, gồm: trọn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La; một phần các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang và một phần thành phố Hà Nội.

Theo Tổng Giám mục trưởng Giáo tỉnh Hà Nội Giuse Vũ Văn Thiên, giáo phận Hưng Hóa trong 10 năm qua đã gặp rất nhiều khó khăn do các chính sách tôn giáo không thống nhất giữa các tỉnh. Ông nói: “Nơi thì dễ dàng, nơi thì khó khăn, nơi thì hạn chế, nơi thì kìm kẹp, nơi thì cán bộ tuyên bố vùng của chúng tôi là vùng trắng tức là không có một tôn giáo nào”.

Ngày này năm xưa

Nguyên trụ trì một ngôi chùa Khmer bị bắt giam

Cuối tháng 7/2010, Công an tỉnh Trà Vinh đã bắt giam Thạch Sophon, nguyên trụ trì một ngôi chùa Khmer để điều tra về một vụ việc xảy ra ba tháng trước đó.

Ông Thạch Sophon bị bắt hai ngày sau khi ông hoàn tục. Nguyên nhân bắt giữ khi ấy được chính quyền cho biết là vào tháng 4/2010, ngôi chùa mà ông từng trụ trì đã bắt giữ một người nghi là trộm cắp tài sản nhà chùa, và giam người này qua một đêm thì mới giao cho công an. Sau hơn một tháng bị bắt giữ, ông Thạch Sophon vẫn không được gặp gia đình và luật sư.

Nhà sư Thạch Sophon khi chưa hoàn tục. Ảnh: RFA.

Tổ chức nhân quyền Liên Minh Khmer-Kampuchea Krom (KKF), một tổ chức vận động quyền cho những người Khmer Krom sống ở chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, đã phản đối việc bắt giữ ông Thạch Sophon. Theo RFA, tổ chức này nói rằng vụ bắt giữ là do chính quyền nghi ông liên quan đến phong trào Khmer Krom.

KKF cho biết vào năm 2006, một tăng sinh của ông bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước nhưng đã chạy sang Thái Lan tị nạn kịp lúc. Một tăng sinh khác cũng xác nhận rằng ông Thạch Sophon bị chính quyền theo dõi từ năm 2005.

Đến tháng 9/2010, ông Thạch Sophon đã bị phạt chín tháng tù treo vì tội giam giữ người trái pháp luật.

Vụ việc này khiến các tổ chức nhân quyền nghi ngờ rằng chính quyền cố tình bắt để thẩm vấn ông về phong trào Khmer Krom, nhưng cuối cùng họ không thành công nên đã ghép ông vào một vụ án đã xảy ra ba tháng trước đó.

Phong trào Khmer Krom

Phong trào Khmer Krom nổi lên mạnh mẽ từ những năm 2000 và vẫn hoạt động tuy không còn thu hút được nhiều sự chú ý. Đây là phong trào vận động nhân quyền ôn hòa cho những người Khmer tại Việt Nam, trong đó có các nhà sư. Có nhiều tổ chức Khmer Krom tham gia phong trào này, nhưng nổi bật nhất là tổ chức có tên The Khmers Kampuchea-Krom Federation (KKF). Trang web của KKF hiện tại cũng đã bị chặn truy cập từ Việt Nam.

Phong trào Khmer Krom vận động cho các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm quyền tự do tôn giáo, quyền đất đai, quyền tự do hiệp hội, quyền tự do biểu đạt, quyền tự do thông tin và báo chí, các điều kiện về y tế, môi trường, và văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam cho rằng phong trào này hoạt động nhằm kích động người dân Campuchia và người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long để chống chính quyền Việt Nam. Tháng 8/2010, Việt Nam đã đề nghị Campuchia phải kiên quyết trấn áp phong trào này. Năm 2014, nhiều cuộc biểu tình lớn đòi nhân quyền cho người Khmer ở Việt Nam đã diễn ra.

Biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia vào năm 2014. Ảnh: Independent Monk Network và Eli Meixler.

Tạm giữ hộ chiếu của một nhà sư Khmer vì vi phạm Luật An ninh mạng vào tháng 2/2020

Vào tháng 2/2020, Công an huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã thẩm vấn một nhà sư Khmer có quốc tịch Campuchia tên là Seun Ty, 36 tuổi. Sau đó, công an đã tạm giữ hộ chiếu của ông trong hai tuần.

“Họ thẩm vấn, ép tôi thú nhận đã vi phạm Luật An ninh mạng của Việt Nam với lý do là khi còn ở Campuchia tôi đã đưa lên mạng tin tức của Đài Á châu Tự do (RFA), cụ thể là bài phỏng vấn ông Trần Manrinh, người đại diện của KKF. Lấy lý do này, họ buộc tôi vi phạm Luật An ninh mạng”, Ông Seun Ty nói với đài VOA.

Công an huyện Long Phú đã đe dọa rằng họ có thể không cho ông nhập cảnh vào Việt Nam nữa hoặc phạt ông 30 triệu đồng. Sau khi các tổ chức nhân quyền lên tiếng mạnh mẽ, ông đã được trả lại hộ chiếu sau hai tuần bị thu giữ.