Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Quan điểm

Chính sách thời dịch bệnh: Vừa mơ hồ, vừa thoái thác trách nhiệm

Dân không được tham vấn, lãnh đạo không phải giải trình. Công nhờ đảng, tội do dân.

Published

on

Ảnh: Zing.

Từ hôm nay, 24/6/2021, người dân TP. Hồ Chí Minh sẽ bị bắt buộc khai báo y tế điện tử khi đến các địa điểm làm việc và những nơi tập trung đông người như bệnh viện, nhà ga, siêu thị hay chợ.

Đó là thông tin được nhiều tờ báo như Tuổi Trẻ đăng tải vào hôm qua. [1] Tin này dựa trên văn bản số 2059/UBND-VX, do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức ký ban hành ngày 22/6/2021. [2]

Đây là một văn bản điển hình trong các quy định phòng chống dịch bệnh thời gian gần đây: vừa mơ hồ, vừa thoái thác trách nhiệm.

Văn bản đưa ý kiến “chỉ đạo” của Ủy ban Nhân dân Thành phố (UBND TP), không có từ “bắt buộc”, nhưng hầu hết mọi người, như thông tin dẫn lại trên các báo, đều hiểu đây là “bắt buộc”.

Câu hỏi đặt ra là: nếu người dân không khai báo y tế điện tử có phải sẽ không được đi siêu thị, không được đi chợ, thậm chí là không được vào bệnh viện, không được cứu chữa?

Những người không có điện thoại thông minh có khả năng truy cập Internet, quên hay mất điện thoại, điện thoại hỏng, hay trước nay không sử dụng điện thoại, có phải sẽ bị từ chối quyền đi lại, quyền mua thực phẩm, và cả quyền được khám chữa bệnh?

Nếu theo đúng tinh thần “bắt buộc”, đây rõ ràng là một quy định vô lý, vi phạm các quyền cơ bản của con người và hoàn toàn không khả thi trên thực tế.

Văn bản không nói gì về cách xử lý những trường hợp trên.

Ngay cả khái niệm khai báo y tế điện tử ở đây cũng gây khó hiểu, khi công văn đề cập đến “phần mềm ‘Hệ thống khai báo y tế điện tử’ áp dụng thống nhất cho tất cả các cơ sở y tế”.

Không rõ “phần mềm” ở đây là gì, khi hiện tại có ít nhất bốn cách để người dân khai báo y tế điện tử: bằng các ứng dụng Vietnam Health Declaration, NCOVI, Bluezone và qua trang web tokhaiyte.vn. [3]

Chưa kể các vấn đề về những ứng dụng khai báo y tế như Bluezone (như bài viết của Luật Khoa từng chỉ ra) cho tới nay vẫn bị bỏ ngỏ, không thấy đơn vị có trách nhiệm nào giải trình với công chúng. [4]

Có thể thấy mọi sự mơ hồ đều được đẩy về phía các sở, ban, ngành, quận, huyện để họ tự xoay sở.

Sẽ không ngạc nhiên nếu ít lâu nữa lại có thêm văn bản “hướng dẫn thực hiện chỉ đạo” nhằm giải quyết các mâu thuẫn phát sinh từ chỉ đạo mơ hồ và vô lý của chính quyền.

Các văn bản này sẽ lại được ban ra với tinh thần “hướng dẫn cụ thể để người dân bớt lúng túng”.

Nói cách khác, vấn đề không nằm ở chỉ đạo của chính quyền. Vấn đề luôn nằm ở người dân.

Đây là mô típ đã xuất hiện rất nhiều lần trong các chính sách quy định phòng chống dịch bệnh.

Ngày 19/6/2021, UBND TP ban hành Chỉ thị 10, trong đó yêu cầu “dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu”. [5] Người dân hoang mang không biết được loại hình kinh doanh nào mới được xem là “thiết yếu”, cho tới khi Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết. [6]

Nội dung của chỉ thị này cũng dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe taxi. Quy định này khiến nhiều người dân gặp khó khăn, không có phương tiện di chuyển khi cần đến bệnh viện. Ngày 23/6, UBND TP mới chấp thuận cho phép 400 xe taxi hoạt động để chuyên chở hành khách đến bệnh viện. [7]

Trước đó, ngày 30/5/2021, UBND TP quyết định phong tỏa quận Gò Vấp theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng. [8] Mọi tuyến đường ra vào khu vực này đều bị chốt chặn. Trưa 31/5, chỉ sau một buổi hỗn loạn do ùn ứ, lực lượng chức năng đã phải xả trạm để người dân đi lại bình thường. [9] Ngay cả khi xả trạm, người dân vẫn hoang mang không biết vào có ra được, hay ra có về lại được không. Không ai trả lời được các thắc mắc này.

Kẹt xe nghiêm trọng xảy ra trong những ngày đầu quận Gò Vấp bị phong tỏa. Ảnh: Trương Thanh Tùng/ Vietnamnet.

Ngày 1/6/2021, khi họp với lãnh đạo quận Gò Vấp, Phó Chủ tịch UBND TP lại khẳng định Chỉ thị 16 “không cấm giao thông, nhất là các phương tiện chỉ đi ngang quận”. [10] Trong cuộc họp, theo chỉ đạo mới, Sở Giao thông – Vận tải chỉ ra 15 tuyến đường để ra vào quận mà không cần lập chốt.

Có thể thấy các quy định phòng, chống dịch được ban ra đều theo kiểu vá trước đắp sau, đẩy mọi khó khăn về phía người thực hiện.

***

Trong tình hình dịch bệnh, phản ứng cấp tốc và tức thời là một yêu cầu tiên quyết. Quy định quản lý được ban ra theo ưu tiên phản ứng nhanh sẽ khó, nếu không muốn nói là không thể, đạt yêu cầu trọn vẹn và hoàn chỉnh. Nó sẽ cần phải được điều chỉnh liên tục.

Đây là điều ai cũng hiểu.

Điều khó hiểu ở đây là trách nhiệm của những người ra quyết định: họ cư xử như thể mình vô can, và hoàn toàn không phải giải trình gì với dân về các quyết sách của mình.

Các quy định được ban ra mà không có sự tham vấn ý kiến của người dân và các tổ chức xã hội. Các cấp dưới và mỗi địa phương phải tự loay hoay xoay trở với những yêu cầu mơ hồ và bất hợp lý. Khi dư luận phản ứng, chính quyền mới ban hành hướng dẫn cập nhật hoặc thay đổi, nhưng lại gọi đó là để “hỗ trợ người dân” hoặc “giúp người dân bớt lúng túng”.

Khi tình hình được kiểm soát, chính quyền nhận mọi lời tán dương từ bộ máy tuyên truyền.

Khi tình hình xấu đi, đó hoàn toàn là lỗi của người dân vô ý thức, và những con dê tế thần lại được đem lên bàn mổ. [11]

Điều này không chỉ diễn ra với các quy định quản lý cụ thể mà ngay trong những chính sách chiến lược như việc tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trong suốt năm 2020 và nửa đầu năm 2021, người dân không được biết gì về chính sách vaccine của chính phủ, nếu có tồn tại một chính sách như vậy. Những thông tin rải rác đều là về các dự án vaccine “made in Vietnam” đầy triển vọng.

Mãi đến đầu tháng 6/2021, khi dịch bệnh lan nhanh, chính quyền mới thành lập một “Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19”, kêu gọi sự ủng hộ đóng góp của người dân để có tiền mua vaccine từ nước ngoài. [12]

Hệ thống tuyên truyền rầm rộ vào cuộc để ca ngợi “sáng kiến đúng đắn” này. [13] Không một bài viết nào chất vấn nhà nước đã làm gì trong suốt thời gian trước đó, để rồi khi cần thì vừa không có tiền vừa không tìm ra vaccine.

Có phải chính phủ nào cũng cư xử như thế trong các cuộc khủng hoảng?

Nếu cần một ví dụ để so sánh, trường hợp của Đài Loan thể hiện sự tương phản rõ rệt trong trách nhiệm giải trình của chính quyền.

Được xem là “cậu bé vàng” ở phương diện phòng, chống dịch, Đài Loan bỗng đối mặt với làn sóng lây lan mới từ đầu tháng 5/2021. Số ca nhiễm bệnh từ một con số nhảy lên hàng trăm mỗi ngày, tỷ lệ tử vong tăng lên còn vaccine lại thiếu hụt. Chính quyền Đài Loan bị chỉ trích dữ dội. Tổng thống Thái Anh Văn phải trực tiếp xin lỗi quốc dân và cam kết tìm cách cải thiện tình hình. [14] Uy tín của cá nhân tổng thống và Đảng Dân Tiến sụt giảm mạnh. [15]

Trái với tưởng tượng của nhiều người, các chỉ trích dành cho chính quyền và việc lãnh đạo nhận trách nhiệm không làm công tác phòng dịch yếu đi. Nó chỉ càng khiến mọi thứ minh bạch. Người dân bớt hoang mang và hỗn loạn. Lãnh đạo bớt vơ vét công trạng hay đùn đẩy trách nhiệm. Người dân biết rõ vấn đề nằm ở đâu, còn chính quyền hiểu mình phải làm gì để lấy lại niềm tin của cử tri.

Điều này ngược hoàn toàn với tình cảnh “thành sự nhờ đảng, bại sự do dân” của Việt Nam.


Luật Khoa hoan nghênh các quan điểm khác nhau. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.