Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Tôn giáo

Các tôn giáo làm từ thiện có phải là theo lời kêu gọi của nhà nước không?

Một nghiên cứu đưa ra câu trả lời dựa trên chia sẻ của 400 tình nguyện viên Phật giáo.

Published

on

Ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo thành phố Hội An tặng quà cho người dân vào tháng 5/2020. Ảnh: Phật giáo Quảng Nam.

Từ sau Đổi Mới, chính quyền Việt Nam đã bỏ bớt tham vọng trở thành một chính quyền bao cấp toàn diện. Thông qua chính sách xã hội hóa, họ đẩy bớt trách nhiệm cung cấp các dịch vụ công ích về phía người dân. Các hội nhóm từ thiện, bao gồm nhiều nhóm Phật giáo đã chủ động nhận lãnh trách nhiệm này.

Theo một thống kê, kể từ năm 2017, các hội nhóm từ thiện Phật giáo cung cấp dịch vụ xã hội nhiều thứ nhì trong nước, chỉ sau chính phủ Việt Nam. [1]

Nhưng họ làm vậy có phải là vì muốn đáp lại lời kêu gọi xã hội hóa của nhà nước như những lời tuyên truyền thường thấy?

Nhà nghiên cứu tôn giáo Sara Ann Swenson (Đại học Syracuse, Mỹ) đã tìm hiểu 25 nhóm từ thiện Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh để tìm lời giải cho câu hỏi trên. Kết quả nghiên cứu mang tên “The political spirituality of Buddhist volunteerism in contemporary Vietnam” được công bố vào cuối năm 2020. [2]

Lời hồi đáp của những nhà thiện nguyện Phật giáo

Sau khi đã trò chuyện với khoảng 400 nhà thiện nguyện thuộc nhiều nhóm từ thiện Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh, Swenson nhận ra rằng họ hoạt động tích cực không chỉ vì muốn đóng vai trò công dân gương mẫu giúp chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều nhà thiện nguyện tìm thấy ý nghĩa tôn giáo và cơ hội thực hành tôn giáo trong các công việc thiện nguyện đó.

Cụ thể, theo Swenson, bằng cách chấp nhận cho đi (tiền của hay thời gian, công sức) mà không đoái hoài gì đến lợi lộc hay công danh, các nhà hoạt động thiện nguyện trong các nhóm Phật giáo đang được thực hành giáo lý từ bi hỉ xả của đạo Phật.

Chính trong việc thực hành tôn giáo đó, họ tìm thấy được sự bình an trong tâm hồn và sự thoải mái, hứng khởi trong một cộng đồng có chung tư tưởng, chung triết lý.

Theo nhận định của Swenson, chính phủ Việt Nam thời kỳ Đổi Mới đã nới lỏng khá nhiều quy định về quản lý tôn giáo để tạo điều kiện cho các hội nhóm tôn giáo tham gia đóng góp tích cực vào chính sách “xã hội hóa”. Một số chính sách khuyến khích cũng được ban hành, bao gồm miễn, giảm thuế cho các hội nhóm tôn giáo tham gia trợ giúp những nhóm dân thiệt thòi. Những thay đổi này tạo điều kiện cho các nhóm Phật giáo đẩy mạnh hoạt động thiện nguyện, nhưng không đơn thuần là theo chủ trương mà là với những mục đích tự thân.

Đồng bào Phật giáo bàn giao một công trình cầu từ thiện tại Gia Lai năm 2018. Ảnh: Báo Gia Lai.

Lấy ví dụ về việc xây cầu cho một địa phương nào đó. Việc xây dựng đường sá, cầu cống vốn là trách nhiệm của chính phủ. Tuy nhiên, nếu như các hội nhóm từ thiện có thể vận động quyên góp tiền của để mua nguyên vật liệu và thuê nhân công xây cầu cho địa phương thì chính phủ sẽ sẵn lòng lùi ra, đóng vai trò tạo điều kiện cho họ.

Việc xây dựng một cây cầu vốn là công việc chính trị từ quan điểm của chính phủ Việt Nam. Nhưng trong mắt các nhà thiện nguyện Phật giáo, việc họ chung tay góp phần xây dựng cây cầu là một công việc tôn giáo, giúp họ củng cố thêm đức tin của mình, phát triển bản thân và phát triển tôn giáo của họ.

Trong nghiên cứu, tác giả Swenson liên hệ quá trình nhận thức này với khái niệm “political spirituality”.

Tâm linh chính trị (political spirituality) 

 “Political spirituality”, tạm dịch “tâm linh chính trị”, là khái niệm do nhà triết học Pháp Michel Foucault đưa ra. Khái niệm này được định nghĩa là “một hoạt động mang tính chuyển hóa mà có khả năng tự kiến tạo xuất phát điểm như là một phương tiện để vượt thoát chính mình”.

Cụ thể hơn, đó là một quá trình chuyển hóa nhận thức trong đó một người tự chất vấn đồng thời bốn thứ:

  • cách mà người đó tồn tại (style of existence);
  • hệ thống tiếp nhận và đánh giá tri thức (epistemological regime);
  • kỷ luật tự giác (self-discipline);
  • hình thức tự nhận thức về bản thân (modes of self-awareness). 

Bằng cách tự chất vấn bốn thứ trên, một người tìm đến các giới hạn trong hiểu biết của chính mình về bản thân (self-understanding).

“Political spirituality” được tác giả đặt trong tương phản với một khái niệm nhận thức khác cũng của Foucault: “governmentality”.

Nếu xu hướng tuân phục (governmentality) là quá trình tự điều chỉnh bản thân để thích ứng với những quyền lực đang tồn tại xung quanh mình thì tâm linh chính trị (political spirituality) là quá trình vượt thoát khỏi các giới hạn đó.

Như vậy, dù là tuân theo một giới luật của tôn giáo hay là một mệnh lệnh của nhà nước thì đó cũng là tuân phục quyền lực. Chỉ khi một cá nhân tìm đến các giới hạn trong hiểu biết của chính mình về bản thân thì cá nhân đó mới có thể tìm ra cách để vượt thoát khỏi những giới hạn đó. Đó được gọi là quá trình tâm linh chính trị.

Yếu tố chính trị (political) trong tâm linh chính trị (political spirituality) mang tính cá nhân sâu sắc. Yếu tố chính trị này có vẻ không nằm trong khuôn khổ “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” truyền thống trong lối suy nghĩ Á Đông. “Tu thân” là đưa bản thân vào một khuôn khổ có sẵn, thay vì thách thức các giới hạn hiểu biết của bản thân để tạo ra một sự vượt thoát hay biến đổi.

Tác giả Swenson kết luận, khi tham gia hoạt động công ích, các nhóm từ thiện Phật giáo không đơn thuần là làm theo ý nhà nước, mà đang chủ động thực hành giá trị đạo đức của chính mình.


Chú thích

1.  Hoang, Huong T., Trang T. Nguyen, and Jerry F. Reynolds. “Buddhism-BasedCharity, Philanthropy, and SocialWork: A Lesson from Vietnam.” International Social Work 62, no. 3(2018): 1075–1087

2.  Sara Ann Swenson (2020) The Political Spirituality of Buddhist Volunteerism in Contemporary Vietnam, Political Theology, 22:1, 68-74, DOI: 10.1080/1462317X.2020.1866815