Tiếng Anh
Bàn về quấy rối tình dục học đường qua các thuật ngữ tiếng Anh pháp lý
Quấy rối tình dục trong môi trường giáo dục gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và kéo dài.

Xâm hại tình dục là vấn nạn xảy ra ở mọi nơi. Nó xuất hiện nhiều ở phương Tây, ở phương Đông cũng không ít. Ở phương Tây, các định kiến xã hội và sự hạn chế về quyền lực, công cụ khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc bảo vệ bản thân và tố cáo kẻ hãm hại mình; ở phương Đông, câu chuyện cũng xảy ra tương tự.
Đây là một lĩnh vực xã hội hiếm hoi mà thật ra phương Tây không khác gì so với phương Đông. Nếu chúng ta có bất kỳ bước tiến nào đột biến về mặt nhân quyền, thì nữ quyền là một trong những nhóm quyền mà Việt Nam có cơ hội vượt mặt phương Tây.
Tuy vậy, rất nhiều người Việt Nam vẫn còn những định kiến về vấn đề quấy rối tình dục. Điều đó thể hiện qua phản hồi của một bộ phận không nhỏ người Việt trong sự việc thu hút nhiều dư luận gần đây. Khi biết nhiều bé gái 15 tuổi liên tục bị gạ gẫm tình dục bằng tin nhắn trong một thời gian dài, họ lập tức đưa ra những bình luận như: “chắc phải thích mới nhắn tiếp”, “sao không block, nhắn tin thì có gì mà quấy rối”, “sao giờ thấy người ta nổi tiếng mới bóc phốt”, v.v.
Mặt khác, nhiều phụ nữ, đặc biệt là các trẻ em gái, vẫn còn hiểu biết thấp về khả năng chống trả và hạn chế trong lựa chọn chống trả đối với các tình huống quấy rối tình dục.
Bài viết này dành cho những độc giả muốn tìm hiểu lại từ đầu hai chủ đề quấy rối tình dục và tiếng Anh pháp lý về quấy rối tình dục, và tập trung vào vấn nạn trong môi trường giáo dục.
Quấy rối tình dục là gì? Nhắn tin “gạ tình”, “khiếm nhã” có phải là quấy rối?
Quấy rối tình dục (sexual harassment) được các nhà nghiên cứu gọi chung là “bạo lực giới”, hay “gender-based violence”. Việc dùng từ “violence” không đồng nghĩa với việc phải có vũ lực trong các hành vi thì mới cấu thành quấy rối tình dục. Khái niệm bạo lực ở đây là chỉ sự bất bình đẳng về vị thế quyền lực giữa nam và nữ trong cấu trúc xã hội của con người (từ gia đình, cơ quan nhà nước, trường học đến công sở).
Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra “quấy rối tình dục” – một hành vi đáng lên án, cần được giáo dục phòng tránh trong giáo dục giới tính – không nhất thiết trùng khớp với khái niệm “tấn công tình dục” (sexual assault) trong pháp lý.
Như vậy, “sexual harassment” có nội hàm rất rộng.
Trong một nghiên cứu vào cuối thập niên 1990 về khả năng quấy rối tình dục đối với trẻ em gái trong độ tuổi dậy thì, mới lớn (teenager), người ta đã định nghĩa những hành vi được coi là “đùa giỡn” như tốc váy, cố tình kéo hay tháo quần áo (attempting to pull off clothing), nhéo hay đụng chạm vào một bộ phận cơ thể như ngực, các vùng nhạy cảm của phụ nữ hay thậm chí là vùng sinh dục, cũng như ép hoặc giả vờ hôn, v.v. đều nằm trong nhóm quấy rối tình dục đối với nữ sinh. [1]
Một số nhà nghiên cứu khác thì kết luận rằng các bình luận khiếm nhã hay xúc phạm về giới (derogatory comments about gender and sexual activities) cũng nằm trong nhóm quấy rối tình dục. Có những nghiên cứu gọi đây là quấy rối giới tính (sexist harassment). [2]
Như vậy, có thể khẳng định rằng hệ thống nghiên cứu dày dặn của thế giới cho đến nay cung cấp rất nhiều cách định nghĩa về quấy rối tình dục cũng như tác hại thực tế của nó.
Áp dụng các định nghĩa này vào tình huống đang gây tranh cãi ở Việt Nam hiện nay, không khó để thấy những bình luận khiếm nhã, đòi quan hệ tình dục hay mô tả các hoạt động tình dục gửi đến các học sinh nữ đều có thể được xem là những hành vi quấy rối tình dục vô cùng kinh điển.
Tác hại và áp lực của quấy rối tình dục học đường: có phải cứ “chặn” là xong?
Một số người cho rằng quấy rối tình dục qua tin nhắn là chuyện bình thường, chỉ cần chặn (block) người quấy rối là xong. Tư duy này thể hiện sự thiếu hiểu biết về mặt khoa học cũng như tác hại và áp lực mà các nữ sinh phải gánh chịu trên thực tế trong môi trường học đường.
Khác với việc bị những người hoàn toàn xa lạ trên mạng quấy rối tình dục (dù hệ quả của việc này không hề nhẹ nhàng), môi trường học đường có những áp lực đặc biệt khiến cho nữ sinh không thể hoặc không có khả năng phản ứng mạnh.
Điều này có thể đến từ các mối quan hệ liên quan đến hội nhóm học tập, ràng buộc từ định kiến giới trong tư duy của chính các thầy cô và gia đình (khiến các em không thể chia sẻ hay tìm sự giúp đỡ), sự thiên vị và yêu thích mà nhà trường và thầy cô có thể dành cho các học sinh nam nhất định.
Giải thích rõ hơn, sự xuất hiện thường xuyên của kẻ quấy rối – hoặc là trong các thảo luận thường ngày của học sinh, hay của giáo viên trong giờ giảng, hình ảnh của họ trong những phong trào, các hội thảo, hoạt động vận động trường, các cuộc trò chuyện với cựu học sinh tiêu biểu, v.v. – có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư duy và tình cảm của các nữ sinh trong việc tham gia vào một đời sống học tập lành mạnh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc bị học sinh trong cùng một trường trung học quấy rối tình dục có thể dẫn đến kết quả là nữ sinh thường sợ hãi, mất tự tin (loses confidence) khi tham gia vào các hoạt động cộng đồng của trường, cảm thấy không được chúng bạn ưa thích và có cảm giác xấu hổ (feels unpopular and embarrassed). [3]
Ở mức độ ngắn hạn, tác động của việc bị quấy rối tình dục là các hệ quả về học tập (educational consequences) như thành tích học tập sút giảm, hiện tượng nghỉ học để tránh mặt bạn bè thầy cô (absenteeism), né tránh các hoạt động thảo luận hay vận động trong lớp lẫn trong trường, và tệ hơn là né tránh hoặc sợ hãi khi đến một số khu vực cụ thể của trường (avoiding particular locations at school), v.v. [4]
Theo các nhà nghiên cứu, nếu tình trạng này không được giải quyết một cách triệt để và sức khỏe tinh thần của các em không được hồi phục, những hệ quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra trong tương lai như dằn vặt và đau khổ tâm sinh lý (psychological distress), mức độ hài lòng về cuộc sống thấp (low life satisfaction), và kèm theo đó các triệu chứng chấn thương tâm lý khác (trauma symptoms). [5]
***
Lượng thông tin ít ỏi nói trên chỉ là khởi đầu cho việc tìm hiểu về cả một ngành nghiên cứu liên quan đến quấy rối tình dục học đường mà các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, bỏ ngỏ không có nghĩa là nó không tồn tại.
Nếu chúng ta còn chưa thấu hiểu, hay ít nhất là thừa nhận một phần những khó khăn về tâm sinh lý, cấu trúc giới tính trong xã hội Việt Nam và ảnh hưởng của nó đến khả năng kháng cự hay bảo vệ bản thân của nữ sinh, thì những định kiến giới, những lời yêu cầu im lặng và những kỹ thuật đổ lỗi nạn nhân sẽ tiếp tục bám theo các em trong suốt cuộc đời của mình.
Từ đó, chúng sẽ tiếp tục là rào cản cho tư tưởng tự do và bình đẳng giới của Việt Nam trong tương lai.
Chú thích
1. Fineran, S., and L. Bennett. 1999. “Gender and Power Issues of Peer Sexual Harassment Among Teenagers.” Journal of Interpersonal Violence 14 (6): 626–641. doi:10.1177/088626099014006004.
2. Robinson, K. H. 2005. “Reinforcing Hegemonic Masculinities Through Sexual Harassment: Issue of Identity, Power and Popularity in Secondary Schools.” Gender and Education 17 (1): 19–37. doi:10.1080/0954025042000301285.
3. Duffy, J., S. Wareham, and M. Walsh. 2004. “Psychological Consequences for High School Students of Having Been Sexually Harassed.” Sex Roles 50 (11–12): 811–821. doi:10.1023/B:SERS.0000029099.38912.28.
4. Như footnote 3
5. Landstedt, E., and K. Gillander Gådin. 2011. “Experiences of Violence Among Adolescents: Gender Patterns in Types, Perpetrators and Associated Psychological Distress.” International Journal of Public Health 56 (4): 419–427. doi:10.1007/s00038-011-0258-4.