Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Đọc sách cùng Đoan Trang

Nhiều nhân tính trong một con người: Bất thường hay bình thường?

Lý giải, và hóa giải, bạo lực tập thể qua các câu hỏi về nhân tính.

Published

on

Bìa sách "Căn tính và bạo lực" của Nhà xuất bản Tri Thức. Đồ họa: Luật Khoa.
Bìa sách "Căn tính và bạo lực" của Nhà xuất bản Tri Thức. Đồ họa: Luật Khoa.

Không có mệnh đề nào vô dụng như câu khẳng định “một thứ giống nhất với chính nó” (something is identical to itself).

Đó là lời của nhà triết học Ludwig Wittgenstein, được tác giả Amartya Sen dẫn lại trong phần mở đầu của quyển sách “Identity and violence: The illusion of destiny”. [1]

Thế nhưng mệnh đề vô dụng đó, như chính Wittgenstein và Amartya Sen nhận định, lại đóng một vai trò quan trọng cho câu hỏi muôn thuở của nhân loại: ta là ai?

Một trong những cách cổ xưa nhất, và có lẽ vẫn đang là cách phổ biến, nếu không muốn nói là cách duy nhất mà nhiều người dùng để trả lời cho câu hỏi trên, là nhìn ra xung quanh và tìm xem ta giống với thứ gì.

Chữ “identity” trong tiếng Anh vì thế có chung gốc với từ “identical” (giống hệt). Cả hai đều bắt nguồn từ chữ Latin “idem”, nghĩa là “giống nhau”.

“Identity card” hay “ID card”, chiếc thẻ được dùng để xác định một người nào đó, có nghĩa tương đương trong tiếng Việt là “thẻ chứng minh nhân dân” hoặc “thẻ căn cước”.

Trong các thảo luận triết học, từ tiếng Việt thường được dùng để mô tả “identity” là “căn tính”. Cuốn sách “Identity and violence” nhắc đến ở trên được dịch ra tiếng Việt với tựa đề là “Căn tính và bạo lực”. [2]

Cách dịch và cách hiểu này về “identity” minh họa cho một lựa chọn bó hẹp mà tác giả Amartya Sen, nhà kinh tế và triết gia nổi tiếng người Ấn Độ, đã đề cập đồng thời phản bác ngay trong sách.

Và đó không phải là vấn đề duy nhất của “căn tính”.

***

“Căn tính” (根性) chỉ những đặc tính có gốc rễ từ xa xưa. Khi dùng từ này để xác định một người, ta có ý muốn nhấn mạnh đến vai trò cốt yếu của lịch sử, bối cảnh xuất thân trong việc hình thành nên người đó: một người sinh ra ở miền Bắc luôn có đặc tính của người gốc Bắc; một người sinh ra ở Việt Nam, hay có dòng máu Việt Nam, luôn có đặc tính của người Việt Nam; hoặc một người có dòng máu châu Á luôn mang trong mình những tính cách của người Á châu.

Dựa vào nguồn gốc, lịch sử là cách xác định “identity” phổ biến. Nó phổ biến đến mức chúng ta mặc nhiên không chất vấn, thậm chí trong nhiều trường hợp còn xem đó là nhân tính duy nhất.

Cách hiểu giản lược này về con người, như tác giả Amartya Sen nhiều lần nói đến trong sách, bỏ qua thực tế rằng mỗi người luôn luôn là tập hợp các nhân tính khác nhau (plurality of identities).

Một người có thể cùng lúc mang tất cả những nhân tính sau: là người gốc Bắc, là người Thanh Hóa, là một nhà giáo, là đảng viên, là nhà hoạt động nhân quyền, là một tù nhân lương tâm, là người vô thần, là một ca sĩ nghiệp dư, là thành viên của hội cứu hộ chó mèo, là người ủng hộ nhiệt tình Donald Trump, và vô số những nhân tính khác.

“Gốc rễ”, hay lịch sử xuất thân của một người, chỉ đóng góp một nhân tính trong tập hợp phức tạp đó.

Một người sinh ra ở miền Bắc có thể chia sẻ nhiều điểm chung với những người sinh ra ở miền Nam, hay thậm chí là thấy mình giống với những người ở phía bên kia bán cầu hơn là những người trong cùng gia đình.

Câu trả lời cho “identity”, hay từ mà tôi nghĩ thích hợp nhất để mô tả nó là “nhân tính”, vì vậy không nằm ở một sự sắp đặt nào của lịch sử hay số phận.

Câu trả lời cho “ta là ai” tùy thuộc vào việc “ta muốn lựa chọn như thế nào”.

***

Từ “choice” (lựa chọn) được Amartya Sen nhắc đi nhắc lại đến gần trăm lần trong quyển sách, như muốn độc giả không bao giờ quên rằng họ luôn luôn có lựa chọn khác thay cho những nhân tính độc nhất bị áp đặt (choiceless/ unique identity).

Các nhân tính bị áp đặt, như lịch sử đã chứng minh, là chất xúc tác, thậm chí là nguồn cơn cho các hành vi bạo lực tập thể kinh hoàng nhất.

Các cuộc chiến tranh và những tội ác diệt chủng phần lớn diễn ra khi những người tham gia được nhồi vào đầu một thứ nhân tính duy nhất, rằng họ chỉ thuộc vào một tập hợp duy nhất – nếu không phải là một chủng tộc thì là một giai cấp hoặc một nhóm đức tin nào đó. Những ai khác với chủng tộc/ giai cấp/ đức tin đó đều xứng đáng bị tiêu diệt.

Khi bị nhồi nhét và phải chấp nhận đúng một thứ “identity” như vậy, trớ trêu thay, ta không còn giữ được những đặc tính tạo nên một con người thực tế – đa dạng, phức tạp và luôn luôn biến đổi.

Nói cách khác, trong trường hợp đó, ta chỉ có được “nhân dạng” mà mất đi “nhân tính” thật sự.

***

Trong “Identity and violence”, tác giả dùng rất nhiều câu chuyện và dẫn chứng để bàn về lựa chọn nhân tính, hay việc áp đặt lựa chọn đó, cùng mối quan hệ với bạo lực tập thể.

Cách chúng ta nhìn bản thân, cách người khác nhìn chúng ta, và cách chúng ta nhìn người khác quyết định các mối quan hệ trong xã hội.

Một điều ai cũng có thể nhận ra khi đọc sách là phần lớn trong chúng ta vẫn chưa quen nhìn bản thân lẫn người khác qua lăng kính tập hợp các nhân tính khác nhau.

Câu chuyện tranh cãi gần đây về nhà sư Thích Nhất Hạnh là một dẫn chứng sinh động.

Cả hai phe tung hô lẫn chỉ trích Thích Nhất Hạnh dường như đều chỉ chấp nhận ở ông một “nhân dạng” duy nhất giống với điều họ suy nghĩ.

Rất ít người chấp nhận thực tế rằng ông có thể vừa là một nhà sư, vừa là một người làm chính trị, và qua đó vừa có thể là một nhà sư đắc đạo cao thâm, nhưng đồng thời cũng có thể là một người ngây thơ và mắc sai lầm về chính trị. Hay ông hoàn toàn có thể là “thầy” đối với hàng triệu người trong nước lẫn nước ngoài, cùng lúc là “tội đồ” đối với hàng triệu người khác.

Một con người thật luôn tồn tại những nhân tính khác nhau. Chúng có thể mâu thuẫn, xung đột trong mắt người khác, hay thậm chí đối với bản thân của chính người đó.

Nhưng suy cho cùng, có mâu thuẫn, xung đột hay không, và lựa chọn nhân tính nào vào thời điểm nào, luôn là chuyện riêng của mỗi người.

Ta luôn là ta, bất kể ai muốn ta giống thứ gì.

Người mà ta thấy giống nhất luôn luôn là chính mình.

Sự thật giản dị này, có vô dụng đến đâu, vẫn luôn là sự thật.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Chú thích

1.  Identity and Violence: The Illusion of Destiny (Issues of Our Time): Sen, Amartya: 9780393329292: Amazon.com: Books. (2007). Amazon. Retrieved 2022, from https://www.amazon.com/Identity-Violence-Illusion-Destiny-Issues/dp/0393329291

2.  Căn tính và bạo lực. (2013). Google Books. Retrieved 2022, from https://books.google.com.sg/books/about/C%C4%83n_t%C3%ADnh_v%C3%A0_b%E1%BA%A1o_l%E1%BB%B1c.html?id=gdMBvwEACAAJ